Ngày 28-3, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, cho biết một nhóm nhà khoa học trong nước đã phân lập được virus dịch tả heo châu Phi. Qua đó hiểu được chủng loại, đặc tính độc lực, cơ chế gây bệnh và lây lan ở heo tại Việt Nam.
Việc phân lập cũng giúp nghiên cứu về cấu trúc di truyền, cấu trúc gen, protein và cấu trúc kháng nguyên của virus. Từng bước định hướng việc nghiên cứu vaccine.
“Khi đã hiểu về đặc tính độc lực của virus, các nhà khoa học sẽ cắt đoạn gen gây độc của virus đó khiến chúng vô hại, trở thành vaccine có tác dụng phòng ngừa dịch bệnh”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, việc phân lập virus chỉ là một công đoạn trong quá trình chẩn đoán, nghiên cứu vaccine. Hiện với công nghệ hiện đại, các phòng thí nghiệm của các nước trên thế giới đều có thể phân lập được, trong đó có Việt Nam.
“Đối với dịch tả heo châu Phi, nhiều năm nay thế giới vẫn chưa có loại vaccine nào được lưu hành thực tế. Quá trình nghiên cứu vaccine mất rất nhiều thời gian. Việt Nam là nước đi sau, nhưng với kinh nghiệm từ việc sản xuất các loại vaccine, chúng tôi hi vọng trong tương lai các nhà khoa học sẽ sản xuất được loại vaccine này”, ông Long cho biết.
Cả nước hiện có chín doanh nghiệp sản xuất vaccine dùng trong thú y. Tất cả đều thực hành sản xuất tốt thuốc thú y theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Đến nay, Việt Nam đã sản xuất và cho phép lưu hành 138 sản phẩm vaccine, cơ bản đáp ứng được việc phòng ngừa các bệnh thông thường ở gia súc, gia cầm trong nước như virus phòng cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh và mới đây nhất là phòng bệnh lở mồm long móng.
Hiện cả nước đã có 23 địa phương công bố dịch tả heo châu Phi, nâng tổng số heo mắc bệnh bị tiêu hủy lên 73.000 con.