Có lẽ chưa bao giờ những thông tin về Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại trở nên nóng hổi như thời gian này. Hầu hết trên các phương tiện thông tin đại chúng, đâu đâu người ta cũng thấy những bài viết liên quan đến công ty này. Nhất là sau khi Chính phủ tuyên bố thoái vốn thì dư luận lại càng xôn xao hơn bao giờ hết.
Năm 2014, Vinamilk lọt Top công ty giá trị nhất Đông Nam Á (ASEAN 100) do Tạp chí Nikkei Asian Review bầu chọn.
40 năm gắn bó
Tháng 4-2015, Đại hội đồng cổ đông Vinamilk nhất trí thông qua nghị quyết về việc tách chức danh Chủ tịch HĐQT và TGĐ. Tiếp đó, tháng 7-2015, bầu chính thức chức danh chủ tịch. Theo đó, bà Lê Thị Băng Tâm, hiện là thành viên độc lập HĐQT Vinamilk, giữ chức danh chủ tịch HĐQT; bà Mai Kiều Liên nguyên là chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, thành viên HĐQT giữ chức danh TGĐ Vinamilk.
Theo ước tính Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 45,1% vốn tại Vinamilk. Mức phần trăm này hiện có giá thị trường khoảng 55.200 tỉ đồng, tương đương 2,5 tỉ USD. Vậy việc thoái vốn khỏi Vinamilk ảnh hưởng gì đến chiến lược của công ty trong thời gian tới? Liệu rằng sự thiếu vắng bà Liên, Vinamilk sẽ đi về phương trời nào, tác động ra sao đến thị trường tài chính vốn đang biến động như hiện nay?
Khi nhắc đến Vinamilk, người ta luôn nghĩ đến sự quy mô, vững mạnh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. Điều đó càng được xác nhận qua chính sự khẳng định của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Để đạt được như ngày hôm nay, người ta không thể không nhắc tới bàn tay nhào nặn của người nghệ sĩ lãnh đạo tài hoa.
Trải qua gần 40 năm gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập, bà Liên như cây cổ thụ vững mạnh, là động lực để đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc. Ở bất kỳ nơi nào cũng vậy, sự biến động về nhân sự sẽ kéo theo một chuỗi những thay đổi đằng sau nó. Chúng tôi nhắc đến điều này chính bởi thông tin bà Liên dự kiến kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016. Dẫu rằng chưa có bất kỳ lời khẳng định nào từ phía lãnh đạo nhưng xoay quanh nó vẫn là lời bàn tán, lo âu về bà Liên, về số phận của Vinamilk. Nếu chúng ta xâu chuỗi lại những sự kiện như đã nói ở trên thì phải chăng những gì đang diễn ra ở hiện tại chính là phân cảnh trong một kế hoạch lớn.
Rủi ro và cơ hội
Sự phát triển của công ty trong suốt chiều dài lịch sử đã minh chứng cho chúng ta về khả năng lãnh đạo rất tài tình, hiếm thấy ở bà Liên. Vinamilk luôn luôn tăng trưởng. Số liệu kinh doanh năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy rằng không thể phủ nhận công lao đóng góp của vị chủ tịch HĐQT mới, thế nhưng bà Liên vẫn luôn giữ vị trí như là linh hồn của Vinamilk.
Người ta nói rằng sở hữu một lãnh đạo giỏi là mơ ước của mọi công ty, tập đoàn dù lớn hay nhỏ. Nếu việc bà Liên ra đi là thật thì đó vừa là cái được vừa là cái mất. Cứ nhìn vào bức tranh kinh doanh thực tế của Vinamilk, những gì họ đã làm được, đóng góp cho xã hội... sẽ biết được tài năng của bà tầm cỡ ở mức nào. Thậm chí có thông tin nói rằng đã có sự phản đối của các nhà đầu tư nước ngoài trước đại hội cổ đông của năm 2015 khi SCIC định thay thế TGĐ. Cái được ở đây chính là cơ hội cho những tập đoàn lớn mở rộng cánh cửa để bà bước vào hàng ngũ lãnh đạo. Họ chẳng tiếc gì khi đưa ra hàng loạt lợi ích về quyền lợi, lương thưởng... trên tấm thảm đỏ được trải sẵn với lòng vinh dự. Đó là cái được nhưng phần mất sẽ thuộc về Vinamilk, bởi họ đã may mắn sở hữu một viên ngọc quý. Song nếu bà Liên ra đi thì đó chính là tổn thất rất lớn, là lỗ hổng tinh thần cho Vinamilk.