Vụ 3 đoàn tàu tông nhau ở Ấn Độ: Nghẹn lòng lời kể của các nhân chứng

(PLO)- Nhiều người sống sót, thân nhân, giới chức địa phương và nhân viên y tế đã kể lại những câu chuyện cảm động sau thảm kịch tàu hỏa mới đây tại Ấn Độ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ The Guardian dẫn thông tin từ cơ quan đường sắt Ấn Độ cho biết công tác cứu hộ các nạn nhân của vụ tai nạn tàu hỏa ở nước này đã kết thúc vào tối 3-6 với 288 người chết 803 người bị thương.

Tại nạn xảy ra vào khoảng 7 giờ 30 tối 2-6 (giờ địa phương) tại bang Odisha (Ấn Độ). Tàu tốc hành Bengaluru-Howrah (đang trên đường đến TP Howrah) thì một số toa trật bánh và rơi xuống đường ray đối diện. Không lâu sau đó, tàu tốc hành Shalimar-Chennai Central Coromandel Express (trên đường đến TP Chennai), do phanh không kịp đã tông trực diện vào các toa vừa lật của tàu trước.

Các toa bị rơi ra của hai tàu tốc hành trên sau đó đâm vào các toa của một tàu chở hàng đậu gần đó.

Vụ việc trở thành thảm kịch đường sắt tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong hơn 2 thập niên qua. Dưới đây là lời kể của những người sống sót và người thân nạn nhân về tai nạn kinh hoàng này.

Ngày 3-6, một nhân viên cứu hộ kết thúc công tác cứu hộ các nạn nhân mắc kẹt trong vụ tai nạn tàu hỏa ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

Ngày 3-6, một nhân viên cứu hộ kết thúc công tác cứu hộ các nạn nhân mắc kẹt trong vụ tai nạn tàu hỏa ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

“Tôi tưởng mình đã chết”

Chia sẻ với hãng tin Reuters, anh Ompal Bhatia (25 tuổi, làm việc trong ngành ván ép) một người sống sót sau vụ việc nói rằng tai nạn xảy ra khi anh cùng 3 người bạn đang trên toa S3 của tàu Coromandel Express để đến TP Chennai làm việc. Anh kể rằng khoang tàu lúc đó chật kín người nên anh và bạn anh phải đứng.

Theo lời kể của anh Bhatia, con tàu là phương tiện đi lại của những người lao động trong các khu công nghiệp xung quanh 2 TP Chennai và Bangalore. Trời chạng vạng tối, nhiều người vừa ăn tối xong và tìm chỗ nghỉ ngơi, có người ngủ dưới sàn vì không có chỗ ngồi. Đột nhiên có một tiếng động lớn, con tàu đột ngột lùi lại phía sau và nhiều toa lật nhào.

“Khi tai nạn xảy ra, chúng tôi tưởng mình đã chết. Khi nhận ra mình còn sống, chúng tôi bắt đầu tìm đường đến cửa sổ khẩn cấp để ra khỏi tàu”.

“Chúng tôi thấy rất nhiều người chết. Mọi người đều cố gắng chạy thoát hoặc tìm kiếm những người thân yêu” - anh Bhatia nói với Reuters qua điện thoại, cho biết anh và các bạn mình đều may mắn sống sót.

Bà Sayantani Ghosh, người đang ngồi trên toa A-1 của tàu Coromandel Express cùng với cô con gái 11 tuổi nói rằng bà thật may mắn khi còn sống. Bà kể rằng mọi người trên tàu đã bị hất văng ra khỏi ghế, sau đó một “âm thanh lớn như sấm” phát lên khi toa tàu liền kề đâm vào toa tàu của bà.

“Cú tông dữ dội đến nỗi hai nhà vệ sinh của toa tàu chúng tôi bị san phẳng hoàn toàn. Từ các toa kế cận, chúng tôi nghe thấy tiếng người kêu cứu và khóc rất lớn”.

“Những cảnh kinh hoàng từ tối hôm qua cứ hiện lên trước mắt tôi. Tôi không thể lấy nó ra khỏi tâm trí mình. Hiện giờ tôi vẫn đang bị thương” - bà kể với The Guardian.

Bà Gosh cũng chia sẻ rằng đã có cướp bóc tại hiện trường. Một số người dân gần đó đã đến lấy hành lý, ví và đồ vật có giá trị của các nạn nhân.

“Một số dân làng đã nhặt những cái túi không có người trông coi và bỏ chạy trong bóng tối. Điều này thật khủng khiếp” - bà nói thêm.

Một người khác may mắn sống sót trên chuyến tàu đến TP Howrah, bà Archana Paul (một nội trợ đến từ bang West Bengal) chia sẻ: “Có một tiếng động lớn và mọi thứ trở nên tối đen”.

Bà đi cùng anh trai và con trai trên chuyến tàu định mệnh này. Khi phát hiện toa tàu trật bánh, bà đã vội vàng tìm kiếm 2 người thân của mình nhưng không thấy.

“Tôi không sao, vì vậy tôi bắt đầu tìm kiếm con trai và anh trai của mình. Mọi người yêu cầu tôi ra ngoài, nhưng tôi nói không, tôi cần tìm kiếm con trai mình. Nhưng họ cứ khăng khăng nói rằng tôi phải ra ngoài trước” - bà kể lại.

Bà Paul được đưa ra khỏi toa tàu và đứng đợi con trai mình nhưng cậu bé không xuất hiện. Người phụ nữ sau đó được đưa đến bệnh viện ở TP Balasore (gần đó) để điều trị các vết thương. Nằm trên giường bệnh, bà Paul bật khóc khi nói chuyện với Reuters và nhờ mọi người giúp đỡ để tìm con trai.

Nhân viên cứu hộ tập trung xung quanh các toa tàu bị hư hỏng tại địa điểm xảy ra tai nạn ở bang Odisha (Ấn Độ). Ảnh: AFP
Nhân viên cứu hộ tập trung xung quanh các toa tàu bị hư hỏng tại địa điểm xảy ra tai nạn ở bang Odisha (Ấn Độ). Ảnh: AFP

Cũng đi trên chuyến tàu này, bà Kaushida Das (khoảng 55 tuổi) may mắn sống sót sau vụ tai nạn nhưng con gái bà đã chết.

Bà nói: “Dù tôi còn sống, nhưng không có gì để sống. Con gái là tất cả đối với tôi”.

Lục từng thi thể tìm người thân

Đôi bạn thân 19 tuổi là Mohammad Afzal và Mohmmad Mazhar đang đứng cạnh nhau trên tàu trước khi tai nạn xảy ra. Afzal sau đó được đưa đến bệnh viện còn Mazhar đến giờ vẫn chưa có tung tích.

Vừa xuất viện, Afzal đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác ở bang Odisha để tìm người bạn của mình.

“Tôi đã tìm kiếm gần 4 tiếng đồng hồ nhưng không có tin tức của cậu ấy. Tôi chỉ cảm thấy bình yên nếu tìm được bạn tôi” - Afza nói với đài Al Jazeera.

Kể về vụ tai nạn, cậu thanh niên cho biết 2 người đã phải đứng vì không có chỗ ngồi, lúc tai nạn xảy ra cậu cảm thấy toa của mình dường như đã bị lật đến 3 lần.

Gia đình Mazha đã vượt gần 200 km từ bang West Bengal đến hiện trường tai nạn để tìm kiếm cậu nhưng vẫn chưa có tung tích.

Cậu thanh niên Mohammad Afzal với bức ảnh của người bạn mất tích Mohmmad Mazhar. Ảnh: AL JAZEERA

Cậu thanh niên Mohammad Afzal với bức ảnh của người bạn mất tích Mohmmad Mazhar. Ảnh: AL JAZEERA

Nhiều thân nhân của người bị nạn cũng điên cuồng lục tung các thi thể để tìm người thân của họ. Ông Rabindra Shau (53 tuổi) đang tìm kiếm con trai mình là cậu Govinda.

“Xin hãy giúp tôi tìm con trai. Ít nhất là cho tôi thấy xác của nó” - ông hét lên khi lật từng thi thể nằm gần các toa tàu đổ nát.

Anh Sheikh Zakir Hussain (35 tuổi) đến từ West Bengal nói rằng anh tìm kiếm tung tích của anh trai Abdul Sheikh, cháu trai Mehraj Sheikh và 3 người hàng xóm.

Anh nói: “Kể từ lúc nghe tin về vụ tai nạn, tôi đã gọi điện cho anh trai và cháu trai của mình nhưng điện thoại của họ đều tắt máy”.

“Tôi đến đây từ sáng sớm và đã đi khắp các bệnh viện, nhưng không có tung tích của họ. Tôi cũng đã đến hiện trường và nhìn thấy hàng đống thi thể nằm ở đó. Tôi đã nhìn thấy khuôn mặt của hơn 100 người đã chết, nhưng không có anh trai, cháu trai và hàng xóm của tôi” - anh nghẹn ngào kể lại.

Thử thách tiếp theo là xác định danh tính nạn nhân

Một người dân sống cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 200 mét nói rằng vụ việc diễn ra chỉ trong vòng vài phút.

Nhân chứng nói: “Chúng tôi nghe thấy một âm thanh lớn mà chúng tôi chưa từng nghe bao giờ”.

“Khi chúng tôi chạy đến hiện trường, chỉ còn những tiếng la hét. Chúng tôi lần theo tiếng hét và cố gắng giải cứu càng nhiều người càng tốt” - người này nói thêm.

Các bệnh viện và trung tâm y tế gần hiện trường tai nạn tràn ngập người chết và người bị thương. Nhân viên y tế phải vật lộn để ứng phó với thảm kịch. Hàng trăm người dân địa phương đã xếp hàng bên ngoài bệnh viện để hiến máu.

Bác sĩ Mrutunjay Mishra tại bệnh viện trụ sở quận Balasore (bang Orissa) cho biết đội ngũ y tế đã làm việc suốt đêm sau khi hơn 250 bệnh nhân nhập viện cùng một lúc.

“Tôi làm nghề mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến ​​cảnh hỗn loạn như vậy” - ông kể.

Một bác sĩ khác tại bệnh viện cao đẳng y tế SCB ở TP Cuttak (bang Orissa) kể lại: “Một số người bị mất tay chân và nhiều người bị thương nặng trên khắp cơ thể. Khoảng 20 người bị thương được đưa đến chỗ tôi đã qua đời".

“Bệnh viện tràn ngập người bị thương. Họ nằm cả trên sàn nhà. Chúng tôi vội vã điều trị từ bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Tôi vừa chăm sóc vết thương cho một bé gái, cô bé đang khỏe lại nhưng chúng tôi không có thông tin về gia đình của em”.

Khi các bệnh viện hết chỗ cho người chết, trường học được trưng dụng làm nhà xác tạm thời với hàng trăm thi thể chất đống chờ người thân đến nhận. Nhiệm vụ khó khăn tiếp theo là xác định danh tính nạn nhân.

Ông PK Jena - quan chức bang Orissa cho biết: “Thử thách bây giờ là xác định danh tính các thi thể. Thân nhân cung cấp được bằng chứng thì sau khi khám nghiệm tử thi có thể bàn giao thi thể. Nếu không xác định được, có lẽ chúng tôi phải đi xét nghiệm DNA và các thủ tục khác”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm