Sáng 29-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm với phần tranh luận vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với các bị cáo Cao Minh Huệ (cựu giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương), Phan Văn Trung (cựu trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bến Cát, nay là thị xã Bến Cát, Bình Dương) và Đỗ Văn Sâm (cựu cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bến Cát).
Xử sơ thẩm tháng 5-2019, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt bị cáo Huệ 12 năm tù, Trung 11 năm tù và Sâm 10 năm tù. Có 51/96 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo.
Cả ba bị cáo đều kháng cáo kêu oan vì cho rằng họ chỉ làm theo chủ trương đúng của UBND tỉnh Bình Dương.
Bị cáo Huệ cho rằng các chứng cứ đã bị cắt xén. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Chứng cứ bị cắt xén?
Tại phần tranh luận, bị cáo Huệ trình bày: Năm 1995-1999 là giai đoạn Công ty Sobexco được thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) gắn liền với tài sản (khi này hai Nghị định 17/1995 và Nghị định 85/1996 đang có hiệu lực pháp luật). Đây cũng là giai đoạn công ty Sobexco không trả được nợ đến hạn nên phải xử lý tài sản theo Điều 16 Nghị định 85/1996 và Điều 7 Nghị định 17/1995. Có nghĩa là lúc này chỉ phát mãi tài sản là vườn cao su và đồng thời giao đất cho người mua tài sản, chứ không phải là thuê đất.
Nội dung này không được CQĐT cung cấp cho Bộ TN&MT giám định mà chỉ cung cấp hai hợp đồng “đảo nợ” số 71 và 263. Do vậy, giám định của Bộ TN&MT là sai sự thật, không khách quan.
Theo bị cáo Huệ, các cơ quan chức năng có dấu hiệu giấu chứng cứ, nhiều chứng cứ bị cắt xén. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì vậy, bị cáo Huệ đề nghị tòa tuyên ông vô tội hoặc hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Trường hợp nếu căn cứ vào các chứng cứ hợp pháp, xử đúng theo quy định mà xác định ông sai thì ông xin được giảm án vì chủ trương bán vườn cây cao su kèm QSDĐ là của tỉnh chứ không phải của cá nhân ông.
Giấy trắng mực đen trên văn bản hành chính còn đó...
Đại diện VKS cho biết, trong 706 ha đất mà Sobexco được Nhà nước giao, không quy định nào cho phép được chuyển nhượng. Đồng thời, chủ trương của tỉnh là bán thanh lý vườn cao su để trả nợ cho ngân hàng chứ không phải là cho phép chuyển nhượng QSDĐ. (Lập luận này trái với lời khai của bà Trần Thị Kim Vân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại phiên tòa - xin xem BOX phía dưới - PV).
VKS còn nhận định rằng các kết luận giám định của Bộ TN&MT đã chỉ rõ việc không được chuyển nhượng nhưng qua thời gian, bằng việc tham mưu không đúng pháp luật, các bị cáo đã cho chuyển nhượng vườn cao su thành chuyển nhượng QSDĐ, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Phản bác lại lập luận của VKS, các luật sư (LS) của bị cáo Huệ nói: Không có một quy định nào cho phép việc lấy kết luận giám định để bác bỏ văn bản hành chính. Cụ thể, văn bản 5649 của Bộ TN&MT khẳng định việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân là đúng pháp luật đất đai và hiện văn bản này vẫn đang có giá trị pháp lý (chưa được giám định).
Không có động cơ vụ lợi
Đối với động cơ vụ lợi, VKS cho rằng các bị cáo đã dùng nhiều thủ thuật và tham mưu cho tỉnh nâng hạn mức giao đất từ 10 ha lên 30 ha/hộ trái pháp luật, qua đó giúp người nhà các bị cáo hưởng lợi.
Về vấn đề này, các LS đối đáp rằng: Sau nhiều lần đấu giá, thông báo bán vườn cây cao su của Công ty Sobexco một cách công khai, minh bạch, nhưng qua nhiều năm Công ty Sobexco và các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Dương vẫn không tìm được người mua để thu tiền cho ngân sách, tháo gỡ khó khăn thì những người đứng ra mua vườn cây cao su của Công ty Sobexco (trong đó có vợ, con của bị cáo Huệ) tại thời điểm năm 2001 phải được tỉnh cám ơn thay vì quy kết bị cáo Huệ vụ lợi.
Bị cáo Huệ nói: “Nếu mua thì lúc cây cùng tuổi, cùng năm, diện tích liền kề có 24 triệu/ha không mua mà thực tế nhà mua với giá 50 triệu/ha, như vậy đâu phải vụ lợi trong này đâu, mua cao hơn giá thị trường gần gấp đôi”.
Các LS của cả 3 bị cáo cùng đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì đã để xảy ra rất nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng, nhất là các chứng cứ giám định không đúng sự thật. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Ngoài ra, các LS bào chữa cho 3 bị cáo đều có chung quan điểm cho rằng việc VKS xác định “giá trị thiệt hại hơn 131 tỉ đồng” là không có cơ sở vững chắc. LS Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trung) đặt câu hỏi: Nếu có hậu quả thì hậu quả này phát sinh từ chủ trương của UBND tỉnh chớ không thể quy kết thiệt hại do các bị cáo gây ra được.
Đáng chú ý, trong vụ án này không có bị hại, không có nguyên đơn dân sự nên những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho rằng cấp sơ thẩm kiến nghị yêu cầu thu hồi lại đất là không hợp lý.
Các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.
Chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương: cho chuyển nhượng QSDĐ Tại phiên tòa sơ thẩm vào chiều ngày 9-5-2019, HĐXX cũng đã tiến hành thẩm vấn bà Trần Thị Kim Vân (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương). Phần trả lời của bà Vân đã làm rõ được sự thật về quá trình thảo luận trước những vướng mắc liên quan việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người mua vườn cao su của UBND huyện Bến Cát có đúng chỉ đạo của UBND tỉnh và quy định pháp luật hay không. Theo đó, chủ trương này được thể hiện rõ ràng qua Quyết định 4004 (ngày 28-11-2000) và Quyết định 2826 (ngày 10-4-2002) của UBND tỉnh Bình Dương về việc thu hồi đất của Công ty Sobexco giao toàn bộ diện tích đã thu hồi cho UBND huyện Bến Cát lập thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Ngoài ra, bà Vân cho rằng căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng vườn cây cao su gắn với QSDĐ giữa Công ty Sobexco và các hộ gia đình, cá nhân thì việc bán vườn cây cao su bao gồm giá trị QSDĐ. Những người trúng đấu giá được Nhà nước giao đất và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp, không phải thuê đất của nhà nước. Căn cứ vào các văn bản trên, UBND huyện Bến Cát đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người mua vườn cao su gắn liền với quyền sử dụng đất với thời hạn 50 năm là phù hợp quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Vân cũng tái khẳng định: Trong các cuộc họp lãnh đạo tỉnh mà bà tham dự, tỉnh đều nói là có bán giá trị QSDĐ, không có cuộc họp nào nói là thuê đất. |