Vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát: Iran, Israel sẽ đi tới đâu?

(PLO)- Việc lãnh đạo Hamas bị ám sát ở Iran như một cú tát vào danh dự Tehran, có nguy cơ châm ngòi xung đột lan rộng song cũng là cơ hội để Israel chấm dứt chiến sự ở Gaza.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Căng thẳng Trung Đông đang dâng cao khi liên tiếp xảy ra những cuộc ám sát những nhân vật cấp cao của những lực lượng thân Iran.

Vào đêm 30-7, Israel không kích vào thủ đô Beirut (Lebanon) giết chết ông Fu’ad Shukr - chỉ huy quân sự cấp cao nhất của của Hezbollah để trả đũa vụ sân bóng ở Majdal Shams, miền bắc Israel, bị nhóm này tấn công khiến 12 người chết.

Vài giờ sau, rạng sáng 31-1, nơi lưu trú của lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran (Iran) bị trúng "đạn dẫn đường trên không" khiến ông này thiệt mạng. Hamas và Iran cáo buộc Israel là thủ phạm. Israel không thừa nhận.

Nếu Israel thực sự thực hiện cả 2 vụ ám sát này chứng tỏ khả năng tình báo của Israel quá đáng gờm, có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ an ninh của cả Iran và Hezbollah, có thể cản trở việc ra quyết định của “Trục Kháng chiến” - các nhóm vũ trang thân Iran ở Trung Đông, theo tờ The Wall Street Journal.

Cú tát vào Iran châm ngòi xung đột Trung Đông

Lãnh đạo Hamas bị ám sát sau khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại thủ đô Tehran trong lúc an ninh được thắt chặt nhất để đón các chức sắc nước ngoài từ hơn 80 nước tham dự.

Vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát: Iran, Israel sẽ đi tới đâu?
Người dân ở Tehran thương tiếc lãnh đạo Hamas bị ám sát ở Iran hôm 31-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Cuộc tấn công này là một cú tát mạnh vào Iran, đánh vào vị thế của nước này trong khu vực…Nó làm bẽ mặt Iran và làm suy yếu toàn bộ bộ máy an ninh của Iran khi thấy Iran có những lỗ hổng nghiêm trọng về mặt tình báo” - ông Ali Akbar Behmanesh, một chính trị gia Iran nổi tiếng và là lãnh đạo chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Pezeshkian, khẳng định.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã tuyên bố sẽ trả thù và sẽ cho Israel nhận “hình phạt nghiêm khắc” khi ám sát lãnh đạo Hamas ở Tehran. Còn Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên Hợp quốc cũng nói rằng Iran sẽ phản ứng với vụ việc này bằng “các chiến dịch đặc biệt - khắc nghiệt hơn và nhằm mục đích gieo rắc sự ân hận”cho thủ phạm.

Trong mắt nhiều người, việc Iran tuyên bố tấn công trực tiếp vào Israel để trả thù cho lãnh đạo Hamas giống như việc bật đèn xanh cho nhóm Hezbollah và các nhóm thân Iran trong khu vực phản ứng tương tự.

Nếu Hezbollah tăng cường các cuộc tấn công vào phía bắc Israel và Houthis - lực lượng thân Iran ở Yemen, tiếp tục tăng cường tấn công ở Biển Đỏ, thì cuộc chiến có thể mở rộng sang cả khu vực và có thể kéo các lực lượng bên ngoài, bao gồm Mỹ, can thiệp vào.

“Chúng ta đang ở bờ vực của một cuộc leo thang trên quy mô lớn. Iran đang dẫn đầu “Trục Kháng chiến”, và họ không thể bảo vệ một trong những nhà lãnh đạo của phe này đến dự lễ nhậm chức của ông Pezeshkian” - ông Danny Citrinowicz - người từng là giám đốc chi nhánh tình báo quân sự Israel tại Iran và hiện là thành viên của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (Israel) nhận định.

Cơ hội để hạ nhiệt, chấm dứt xung đột

Cựu Đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ và là cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stephen Ganyard cho rằng đây là chiến lược “leo thang để xuống thang” như Nga, và trước đây là Liên Xô đã từng sử dụng, theo đài ABC News.

Theo ông Ganyard, những gì Israel đang làm ở đây là đẩy nóng mọi việc lên rất nhanh, có lẽ là để điều chỉnh lại các cuộc thảo luận với Hamas, để Hezbollah bình tĩnh lại và khiến Iran chú ý hơn rằng nước này và các nhóm thân Iran có thể dễ dàng trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công trong tương lai.

Vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát: Iran, Israel sẽ đi tới đâu?
Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh (trái) gặp Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 30-7. Ảnh: KHAMENEI.IR/AFP

Cùng ý kiến, TS Sanam Vakil, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) cũng cho rằng việc lãnh đạo Hamas bị ám sát ở Iran giúp Thủ tướng Benjamin Netanyahu giảm căng thẳng trong khu vực, kết thúc cuộc chiến với Hamas khi có thể tuyên bố ông đã nhắm mục tiêu thành công vào phần lớn lãnh đạo của nhóm.

“Ông Netanyahu đang xây dựng một kịch bản rằng cuộc chiến đang diễn ra theo ý mình, tạo cho ông có cơ hội để đàm phán từ một vị trí quyền lực” - bà Vakil nhận định.

Tuy nhiên, bà Vakil nói thêm rằng “sẽ mất một thời gian” để đạt được lệnh ngừng bắn một lần nữa, bởi vì rõ ràng Hamas sẽ rời khỏi bàn đàm phán sau vụ lãnh đạo của mình bị ám sát.

Nhiều chuyên gia cho rằng chắc chắn Iran sẽ có phản ứng với những vụ ám sát, đặc biệt vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát, nhưng nước này khó có thể phát động một cuộc đối đầu tổng lực với Israel.

Ông Ganyard nói có một hy vọng rằng Iran sẽ không gây chiến toàn diện với Israel vì lãnh đạo Hamas bị ám sát không phải là "một trong những người của họ". Lý do là Hamas là nhóm Hồi giáo dòng Sunni và lãnh đạo của Iran là người Shia và người bị ám sát là thành viên của lực lượng ủy nhiệm Hamas chứ không phải là người của chính quyền Iran.

Nhiều chuyên gia cũng dự đoán rằng Iran có thể sẽ đáp trả vụ ám sát này theo cách tương tự như cách Iran đã tấn công Israel vào hồi tháng 4 để trả đũa Israel không kích Đại sứ quán Iran tại Syria khiến một số quan chức quân sự cấp cao của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo thiệt mạng.

Vào thời điểm đó, Iran đã nã khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV), hầu hết là xuất phát từ Iran, nhắm vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, Iran đã cho Israel thời gian và khoảng cách đủ để đánh chặn, tránh leo thang căng thẳng, khi gần như tất cả vũ khí này đã bị lực lượng phòng không Israel bắn hạ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm