Vụ nghẽn kênh đào Suez: Mỹ đề nghị gửi hải quân hỗ trợ

Hải quân Mỹ ở Trung Đông có kế hoạch triển khai lực lượng hỗ trợ chính quyền Ai Cập giải cứu tàu hàng 224.000 tấn đang mắc cạn ở kênh đào Suez, đài CNN đưa tin.

Ngày 26-3, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đã đề nghị hỗ trợ chính quyền Ai Cập.

Washington đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở kênh đào Suez và tham khảo ý kiến của các đối tác Ai Cập về cách thức hỗ trợ hiệu quả nhất trong nỗ lực khơi thông tuyến hàng hải huyết mạch này. 

Máy xúc đào đất tại vị trí tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez trong nỗ lực giải cứu con tàu 224.000 tấn này. Ảnh: AFP

Lực lượng mà Mỹ triển khai sẽ là một nhóm chuyên đánh giá tình huống thiên tai với nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn cho giới chức Ai Cập. Không rõ nhóm chuyên gia này đã tới Ai Cập hay chưa.

Người phát ngôn Bộ Tư lệnh miền Trung của Mỹ, Đại úy hải quân Bill Urban cho biết sẵn sàng triển khai lực lượng từ căn cứ ở Bahrain khi có lệnh.

Dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ, CNN cho biết thông qua Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, Hải quân Mỹ đã gửi đề nghị còn chính phủ Ai Cập đã thống nhất sẽ chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ này, song chưa có quyết định chính thức.

Tàu Ever Given dài 400 m, trọng tải 224.000 tấn đã mắc kẹt trên kênh đào Suez từ ngày 23-3 sau khi mất lái do gió mạnh và bão cát.

Đến ngày 26-3, việc giải cứu con tàu vẫn chưa thành công. Hai tàu nhỏ sẽ được triển khai thêm vào ngày 28-3 để hỗ trợ đẩy tàu Ever Given ra khỏi vị trí mắc cạn.

Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết lực lượng cứu hộ sẽ đào 15.000-20.000 m3 cát để đạt đến độ sâu 12m-16m trước khi đẩy tàu Ever Given về hướng thuận lợi cho việc đi qua kênh đào.

Sự cố đã khiến tuyến vận tải huyết mạch này bị tắt nghẽn, đe dọa việc vận chuyển hàng hóa, nhất là sản phẩm dầu khí. Công ty bảo hiểm Đức Allianz đánh giá rằng khi nào còn chưa khắc phục xong, sự cố này sẽ gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu 6-10 tỉ USD mỗi tuần.

Ngày 26-3, giá dầu đã tăng 4% do lo ngại sự cố kéo dài sẽ dẫn tới việc suy giảm nguồn cung. Bà Psaki cho biết chính quyền Mỹ đã nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực mà sự cố gây ra cho thị trường năng lượng và sẵn sàng ứng phó nếu cần thiết.

Trong khi đó, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đã đề xuất tuyến đường Biển phương bắc có thể trở thành giải pháp thay thế cho ngành hàng hải quốc tế, theo hãng tin Sputnik.

Rosatom nêu ra ba lý do cho đề xuất này, đó là Bắc Băng Dương rộng lớn và tuyến hàng hải qua đây cho các tàu lớn nhiều không gian hơn, các tàu phá băng sẽ hỗ trợ khai thông tuyến đường biển trên Bắc Băng Dương, và sự cố trên kênh đào Suez có thể kéo dài nhiều ngày.

Trước đó, giới chức Nga đã xác định tuyến đường Biển phương bắc là một trong những ưu tiên chiến lược quan trọng. Đây được giới thiệu là tuyến đường ngắn nhất nối châu Á với châu Âu, song lại gặp bất lợi do thời gian bị đóng băng kéo dài trong năm. Hồi tháng 1, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Dmitry Kobylkin nói rằng đến năm 2024, lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến đường này sẽ đạt 80 triệu tấn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới