Ngày 25-5, người đàn ông da màu tên George Floyd chết sau khi bị một cảnh sát da trắng ở TP Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ) dùng gối ghì cổ xuống đường trong gần chín phút liền. Cái chết của ông Floyd đã khơi mào một làn sóng biểu tình lớn chẳng những trong nội bộ nước Mỹ mà lan cả sang nhiều nước khác.
Lễ tưởng niệm ông Floyd được tổ chức tại TP Minneapolis ngày 4-6.
Thị trưởng TP Minneapolis Jacob Frey bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội sau khi ông quỳ và khóc một cách không kiểm soát trước quan tài của ông Floyd, đài RT đưa tin.
Thị trưởng TP Minneapolis Jacob Frey quỳ khóc cả phút trước quan tài của người đàn ông da màu George Floyd. Ảnh: REUTERS
Những giọt nước mắt bị mỉa mai
Trong lễ tưởng niệm ông Floyd diễn ra hôm 4-6, Thị trưởng Frey đã quỳ xuống trước quan tài của ông Floyd và khóc nức nở trong một phút liền.
RT cho biết nhiều người dùng mạng xã hội Twitter nghĩ rằng hành động của ông Frey chỉ là "diễn một vở kịch" và sự thương tiếc của ông chỉ là "nước mắt cá sấu".
"Việc Thị trưởng Frey khóc lóc một cách không kiểm soát tại lễ tang của ông Floyd là một trong những phần biểu diễn kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy một chính trị gia làm" - một người viết trên Twitter.
Một người dùng Twitter khác mô tả hành động của ông Frey là "sự tiếc thương chuyên nghiệp" và cho rằng chính quyền địa phương đang "thực sự tự làm mình lúng túng" với cảm giác tội lỗi của mình.
Cựu đại tá không quân Rob Maness - một thành viên đảng Cộng hòa - đặt câu hỏi ông Frey "đang khóc cho ai", liệu có phải là khóc thương người đàn ông da màu Floyd hay không.
Những bình luận tiêu cực và mỉa mai này cho thấy sự phẫn nộ của người dân không giảm đi dù cho viên cảnh sát trực tiếp bắt giữ và ghì cổ người đàn ông da màu cùng cảnh sát khác có liên quan đã bị sa thải và hứng cáo buộc giết người.
Thị trưởng TP Minneapolis Jacob Frey trong cuộc họp báo hôm 27-5. Ảnh: AP
Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 27-5 về cái chết của ông Floyd, Thị trưởng Frey cho rằng sự giận dữ của người dân "không chỉ có thể thông cảm được mà còn là cảm giác đúng đắn". Trong cuộc họp báo này ông Frey cũng đã không cầm được nước mắt.
Cảnh sát bị cấm khóa cổ nghi phạm khi bắt giữ
Để hạn chế tình trạng cảnh sát khống chế mạnh tay các đối tượng tình nghi phạm tội dẫn đến trường hợp đáng tiếc như ông Floyd, Sở cảnh sát Minneapolis đã ban hành quy định mới, theo RT.
Theo đó, lực lượng cảnh sát TP Minneapolis bị cấm tuyệt đối việc sử dụng kỹ thuật chokehold (tạm dịch là khóa cổ gây bất tỉnh) khi khống chế các đối tượng tình nghi phạm tội.
Mọi cảnh sát Minneapolis có "trách nhiệm can ngăn" bằng lời nói và sau đó bằng hành động dù cho cảnh sát vi phạm quy định có cấp bậc cao hơn mình và có "trách nhiệm báo cáo" tất cả các trường hợp vi phạm.
Nếu không can ngăn, các cảnh sát cùng có mặt sẽ bị kỷ luật cùng với người trực tiếp khóa cổ nghi phạm.
Sự thay đổi này chỉ mang tính tạm thời và cần sự chấp thuận của tòa án trước khi chính thức có hiệu lực.
Ngày 5-6, Thống đốc bang California Gavin Newsom thông báo ông cũng sẽ có những động thái để chấm dứt việc cảnh sát dùng các kỹ thuật trấn áp tác động đến động mạch cảnh (có nhiệm vụ lưu thông máu lên não qua vùng cổ) của nghi phạm.
Ông Newsom cho biết đầu tiên bang của ông sẽ bỏ kỹ thuật này ra khỏi chương trình huấn luyện cảnh sát và kêu gọi các nghị sĩ thông qua đạo luật cấm sử dụng kỹ thuật này.