Theo các chuyên gia pháp lý, các giấy miễn trừ trách nhiệm do hành khách ký khi tham quan xác tàu Titanic có thể không bảo vệ chủ sở hữu con tàu khỏi các vụ kiện (nếu có) từ gia đình các nạn nhân, theo hãng tin Reuters.
Ngày 22-6, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ xác nhận tàu ngầm (tên Titan) mất tích khi tham quan xác tàu Titanic đã phát nổ khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng. Quá trình tìm kiếm kết thúc.
Các hành khách, những người đã trả tới 250.000 USD cho chuyến tham quan, được cho là đã ký giấy miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Một phóng viên của đài CBS, người đã từng có chuyến tham quan xác Titanic do công ty OceanGate Expeditions tổ chức vào tháng 7-2022, cho biết rằng bản miễn trừ mà anh ấy ký đề cập khả năng tử vong đến 3 lần chỉ trên trang đầu.
Tàu ngầm Titan của công ty OceanGate. Ảnh: GETTY IMAGES |
Việc miễn trừ không phải lúc nào cũng chắc chắn và không có gì lạ khi các thẩm phán bãi bỏ hiệu lực của chúng, nếu có bằng chứng cho thấy về sự cẩu thả nghiêm trọng từ phía đơn vị tổ chức hoặc các mối nguy hiểm không được thông báo đầy đủ.
Theo luật sư và chuyên gia luật hàng hải Matthew D Shaffer, nếu OceanGate giấu diếm thông tin về con tàu hoặc sử dụng con tàu bất chấp cảnh báo rằng con tàu không phù hợp, thì giấy miễn trừ trách nhiệm sẽ trở nên vô hiệu.
OceanGate có thể biện hộ rằng họ không cẩu thả và các miễn trừ phải được áp dụng vì họ đã mô tả đầy đủ những nguy hiểm vốn có. Tuy nhiên, mức độ sơ suất và ảnh hưởng của nó đến khả năng áp dụng các miễn trừ sẽ còn phụ thuộc vào nguyên nhân của thảm họa vốn vẫn đang được điều tra.
“Có rất nhiều ví dụ khác nhau về những gì các gia đình nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường mặc dù đã được miễn trừ, nhưng cho đến khi chúng tôi biết nguyên nhân, chúng tôi không thể xác định liệu các khoản miễn trừ có áp dụng hay không” - luật sư chuyên về thương tích cá nhân Joseph Low cho biết.
Các gia đình cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại từ bất kỳ bên liên quan nào chịu trách nhiệm thiết kế, giúp chế tạo hoặc chế tạo các bộ phận cho tàu Titan nếu họ bị phát hiện là cẩu thả và là nguyên nhân gây ra vụ nổ.
Một đạo luật khác tên là Death on the High Seas (Tạm dịch: Đạo luật Tử vong trên biển) cho phép những người phụ thuộc tài chính vào người đã thiệt mạng trong một thảm họa hàng hải tìm kiếm phần thu nhập trong tương lai mà lẽ ra họ sẽ nhận được từ người đã thiệt mạng đó.