Ông Trần Hoàng Thanh, một tài xế xe khách thường xuyên chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM, cho biết không ít lần chứng kiến cảnh người dân đi bộ, leo cắt ngang tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (gọi tắt là cao tốc Long Thành).
“Nhiều lúc trời nhá nhem tối, lần lượt hai, ba người trèo vào hành lang an toàn của tuyến cao tốc rồi băng ngang đường, cắt dòng xe đang lao vun vút. Lúc này không đủ sáng, trong khi với vận tốc cho phép 120 km/giờ, chẳng may có chuyện thì... hối không kịp” - ông Thanh ớn lạnh.
“Từ khi xuất hiện cao tốc thì nhà và rẫy chúng tôi bị chia cắt làm đôi. Trước đây, chúng tôi đi làm rẫy chỉ mất khoảng năm phút là đi từ nhà ra đến rẫy. Còn bây giờ chúng tôi phải đi đường vòng xa hàng chục cây số và mất cả tiếng đồng hồ mới tới. Tình trạng nhà một bên, rẫy một bên như vậy nên chúng tôi phải vượt rào cao tốc để rút ngắn thời gian qua rẫy dù biết là rất nguy hiểm” - ông Nguyễn Văn Thành, một nông dân ở xã An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai), nói.
Vụ tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do người đi bộ vượt rào băng qua cao tốc xảy ra ngày 19-11. Ảnh: TD
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (gọi tắt là Công ty VECE), cho biết trong thời gian đầu đưa vào khai thác, trên cao tốc Long Thành có nhiều người dân thường xuyên leo rào/cắt rào để đi bộ qua cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Công ty VECE và địa phương đã tích cực tuyên truyền cho người dân nên tình trạng trên cũng đã giảm đi nhiều. Để giải quyết dứt điểm, VECE cũng đang liên tục kiểm tra và khép kín các hàng rào khi bị người dân cắt/phá...
Ông Ngô Thế Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết thêm: “Không chỉ có người đi làm rẫy, một số người thiếu ý thức cũng vượt rào để tập thể dục buổi sáng ngay trên cao tốc Long Thành. Song song với việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng quy định, huyện đã kiến nghị với Sở GTVT tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư cao tốc rà soát lại và sớm hoàn thiện hệ thống đường song hành, gom dân sinh để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, đảm bảo an toàn giao thông”.
Truy tìm xe “ma” chạy ngược chiều trên cao tốc Ngày 6-12, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty VECE, cho biết công ty đang phối hợp với Phòng Tuần tra, Kiểm soát giao thông đường bộ, cao tốc (Cục CSGT - Bộ Công an) truy tìm chiếc ô tô vừa chạy ngược chiều trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hành vi chạy xe ngược chiều trên cao tốc (trừ xe ưu tiên làm nhiệm vụ khẩn cấp) có thể bị xử phạt 8 triệu đồng. Trước đó, đêm 15-11, nhiều lái xe trên tuyến cao tốc hướng TP.HCM về Đồng Nai, khi đến tại khu vực cầu vượt quốc lộ 51 (thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai) phải thắng gấp vì bất ngờ gặp một chiếc ô tô chạy ngược chiều. Theo nhiều người, nếu các tài xế không tránh kịp thì chắc chắn xảy ra tai nạn chết người. Theo Công ty VECE, nhiều khả năng chiếc ô tô chạy ngược chiều trên lưu thông từ TP.HCM về Đồng Nai nhưng đi sai nhánh rẽ nên quay đầu để trở lại vị trí cũ. Cũng theo Công ty VECE, tuyến cao tốc được lắp đặt đầy đủ biển báo, biển chỉ dẫn theo đúng quy định thiết kế. Tại các điểm giao, nhánh rẽ, đơn vị này đều lập chốt để chặn người đi bộ, người điều khiển xe máy và những phương tiện chạy ngược chiều. Tai nạn chết người Chiều 19-11, tại Km17+800 trên cao tốc thuộc địa phận xã An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai), ông Phan Văn Rạng đi bộ băng ngang cao tốc nên đã va chạm với một xe khách. Ông Rạng chết tại chỗ. |