WHO cảnh báo về tác động 'lâu dài' của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tác động của COVID-19 lên sức khỏe tâm thần con người sẽ "lâu dài và phức tạp" và cần phải tìm ra giải pháp để đối phó với sự lo lắng và căng thẳng liên quan đến đại dịch, theo hãng tin Reuters.

"Mọi người đều bị ảnh hưởng theo cách này hay cách khác" - đại diện WHO cho biết trong một tuyên bố khi bắt đầu cuộc họp với các bộ trưởng y tế từ hàng chục quốc gia kéo dài hai ngày ở thủ đô Athens, Hy Lạp hôm 22-7.

Theo WHO, "những lo lắng xung quanh việc virus lây lan, tác động tâm lý từ việc tự nhốt mình hoặc tự cô lập" đã góp phần vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần, cùng với những căng thẳng liên quan đến thất nghiệp, lo lắng về tài chính và sự xa lánh của xã hội.

"Chính từ những áp lực này, các tác động của chúng lên sức khỏe tâm thần của con người trong và sau đại dịch sẽ lâu dài và vô cùng phức tạp" - WHO nhận định.

Người dân Indonesia mặc đồ bảo hộ chôn một chiếc quan tài tại một khu vực chôn cất do chính phủ cung cấp cho các nạn nhân nhiễm COVID-19, ngày 20-7. Ảnh: REUTERS

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, khẳng định sức khỏe tâm thần nên được coi là "quyền cơ bản của con người", nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã “xé nát cuộc sống” của người dân một cách tồi tệ.

"Đại dịch đã làm rung chuyển thế giới. Hơn bốn triệu sinh mạng đã bị cướp đi trên toàn cầu, sinh kế bị hủy hoại, các gia đình và cộng đồng buộc phải chia lìa, các doanh nghiệp bị phá sản và mọi người bị tước mất cơ hội sống" - ông Kluge nói.

Một phụ nữ Hy Lạp 38 tuổi tên Katerina chia sẻ với các bộ trưởng về việc cô được điều trị chứng rối loạn tâm thần từ năm 2002 và đã tiến triển tốt cho đến khi đại dịch xảy ra.

Katerina cho hay hiện cô không còn có thể tham gia các nhóm hỗ trợ trực tiếp và không thể gặp cha mình, buộc cô phải tăng cường các phương pháp điều trị tại nhà.

“Áp lực của sự cô lập với xã hội dẫn đến sự lo lắng gia tăng là rất kinh khủng” - Katerina chia sẻ.

Trước mối nguy này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ này của người dân thông qua công nghệ.

WHO cũng thúc giục việc mở rộng dịch vụ hỗ trợ tâm lý tốt hơn trong các trường học, trường đại học, nơi làm việc và cho những người ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, Reuters đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới