Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch COVID-19 còn chưa có dấu hiệu kết thúc, đài Channel News Asia đưa tin.
Trong cuộc họp báo ngày 29-6, ông Tedros đề cập việc chỉ trong vòng sáu tháng sau khi Trung Quốc lần đầu cảnh báo về dịch viêm đường hô hấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tức dịch COVID-19), số ca nhiễm đã vượt qua con số 10 triệu, trong đó hơn 500.000 trường hợp đã tử vong.
Ông Tedros cảnh báo rằng "hầu hết người dân vẫn còn dễ bị ảnh hưởng, virus vẫn còn không gian để lây lan".
Ông Tedros cho rằng toàn thế giới đều muốn COVID-19 qua đi nhưng "thực tế khắc nghiệt" là thế giới thậm chí chưa tiến gần tới điểm kết thúc của đại dịch này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP
"Mặc dù nhiều quốc gia trên toàn cầu đã có nhiều tiến bộ, đại dịch vẫn đang thực sự tăng tốc" - Tổng Giám đốc WHO báo động.
Năm cách để các nước bảo vệ người dân trước đại dịch
Theo trang thông tin điện tử của Liên Hợp Quốc, ông Tedros đã nêu ra năm cách bảo vệ tính mạng của người dân trước đại dịch COVID-19.
Quan trọng nhất, các quốc gia phải cho người dân quyền tự bảo vệ mình bằng cách ban hành các yêu cầu giãn cách xã hội và các biện pháp y tế công cộng khác.
Thứ hai, các chính phủ phải tiếp tục kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo việc truy vết và cách ly những người tiếp xúc với các ca nhiễm COVID-19.
Trong đó, ông Tedros nhấn mạnh "nếu bất kỳ quốc gia nào nói rằng truy vết những người tiếp xúc là khó khăn, đó là một lời biện hộ không thỏa đáng".
Thứ ba, các nước cũng phải ưu tiên phát hiện sớm ca bệnh và đưa ra các biện pháp chăm sóc y tế phù hợp. Đặc biệt, các chính phủ cần quan tâm đặc biệt đến các nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi hay người sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Hai biện pháp khác bao gồm tăng cường nghiên cứu và chia sẻ những thông tin xác thực về COVID-19.
Về cuộc đua tìm vaccine ngừa COVID-19, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết thế giới đã có nhiều tiến bộ to lớn nhưng không có gì đảm bảo nỗ lực của các nhóm nghiên cứu sẽ thành công.
Theo chuyên trang thống kê Worldometer, tính đến 11 giờ trưa 30-6 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã phát hiện 10.409.518 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 508.091 trường hợp đã tử vong.