“Trước kia, ở đây một ngày chỉ có điện vài giờ vào buổi tối. Mấy năm gần đây mới có điện bằng máy chạy dầu diezen nhưng không đủ cho dùng. Giờ có điện lưới quốc gia nên ai cũng mừng. Chắc chắn nguồn điện này sẽ mạnh hơn và ổn định hơn”, chị Loan, một chủ quán nước trên đảo hồ hỡi.
Người dân náo nức đến dự lễ khánh thành công trình ngầm đưa điện ra đảo
Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), chủ đầu tư dự án cho biết, theo quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch, đến năm 2020 nhu cầu sử dụng điện của người dân xã đảo Thạnh An sẽ tăng từ 300 kwh/người/năm tăng lên 1.000 kwh/người/năm. Đo đó, việc đưa nguồn lưới điện quốc gia ra đảo vào thời điểm này là rất cần thiết.
Theo EVN HCMC, công trình lắp cáp ngầm xuyên biển đưa điện ra đảo trong giai đoạn 1 có mức đầu tư 170 tỉ đồng. Dự án xây dựng hai trạm ngắt 22kV. Một trạm nằm tại bờ phía thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), một trạm nằm phía bờ xã Thạnh An. Hai trạm này được kết nối bởi mạch cáp ngầm 22kV dưới biển với chiều dài gần 6km.
Thi công cáp ngầm đưa điện ra đảo (ảnh chụp lại)
Ngoài ra trên cạn cũng có một mạch cáp ngầm chuyên dụng 22kV, tuyến cáp quang 110kV dẫn điện từ Cần Giờ đến trạm ngắt Cần Thạnh (để truyền điện xuyên biển qua xã đảo Thạnh An) và thiết bị giám sát nhiệt độ cho tuyến cáp biển…
Theo kế hoạch, giai đoạn 2, EVN HCMC tiếp hai trạm ngắt 22kV theo mô hình không người trực để điều khiển từ xa và tuyến cáp quang 24 sợi để kết nối hai trạm này. Công trình này, có mức đầu tư 40 tỉ. Dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2015.