Phải dập tắt ổ dịch từ nhóm truyền giáo trong 2 tuần

Sáng 1-6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh từ ngày 27-5 đến nay, ngành y tế TP.HCM đã ghi nhận 227 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó hơn 200 ca liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại nhóm truyền giáo Phục hưng (quận Gò Vấp). Nhiều ý kiến tại cuộc họp đều xoáy vào việc xử lý ổ dịch này.

Ổ dịch nguy hiểm nhất, lây nhiễm theo cấp số nhân

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ ổ dịch này đã lan ra 20/22 quận, huyện có ca nhiễm, trừ quận 11 và huyện Cần Giờ, nhiều nhất là quận Gò Vấp với 52 ca nhiễm trong cộng đồng. “Nhóm truyền giáo Phục hưng có 55 người trực tiếp sinh hoạt thì đến nay đã có 40 người mắc COVID-19, từ đó lây lan ra thêm cho 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại TP thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè” - ông Bỉnh nói.

Từ ổ dịch này, ngành y tế TP đã truy vết F1 là 3.028 người, F2 là 15.206 người và đã mở rộng xét nghiệm cho 181.000 người (hơn 128.000 người đang chờ kết quả). Riêng quận Gò Vấp đã lấy mẫu xét nghiệm toàn dân tại bốn phường, từ đó phát hiện 2-3 khu phố có 5-10 ca nhiễm. Sắp tới sẽ mở rộng lấy mẫu xét nghiệm 10/16 phường có ca nhiễm ở quận này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng ổ dịch ở nhóm truyền giáo Phục hưng là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP.HCM.

Ông Long cho biết trường hợp đầu tiên có triệu chứng từ ngày 13-5 (vợ của mục sư đi du lịch ở Hà Nội - PV) đến khi được phát hiện đã quá 13-14 ngày. Trong khi với chủng virus này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, có thể 2-3 ngày hoặc sớm hơn. “Chúng tôi đánh giá dịch tại TP.HCM có thể trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm và việc lây nhiễm này diễn ra theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm” - ông Long nói.

Nhận định trong thời gian này, TP.HCM có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây. Sắp tới có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh chứ không dừng lại ở con số 200 ca, nguyên nhân là do sự lây nhiễm lan rộng tại các tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp. Vì vậy, ông Long lưu ý TP.HCM cần xác định sự nguy hiểm tại ổ dịch này và có biện pháp quyết liệt để dập dịch.

Ông Long cho rằng TP.HCM rất sáng suốt khi đưa ra quyết định giãn cách xã hội nhưng cần tập trung cao độ, giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở một số địa bàn và đề phòng lây nhiễm trong khu công nghiệp.

Riêng đối với các khu công nghiệp, bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc quản lý công nhân từ nơi làm việc đến nhà trọ, khu tập thể, phương tiện đưa đón… để tạo ra được chuỗi an toàn. Cùng với đó, triển khai ngay giãn cách trong sản xuất, có các biện pháp cách ly tại chỗ và xem xét áp chế cách ly tập trung cho một số khu nhà ở của công nhân.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM do liên quan chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục hưng.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Thêm 250 ca COVID-19 mới, TP.HCM chiếm 70 ca

Bộ Y tế tối 1-6 ghi nhận 89 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong nước, gồm tại Bắc Giang 47, Bắc Ninh 10, TP.HCM 19, Lạng Sơn 4, Hà Nội 2, Hà Nam 2, Long An 2, Đồng Tháp, Trà Vinh và Vĩnh Phúc mỗi nơi 1.

Như vậy, trong ngày 1-6, Việt Nam ghi nhận 250 ca nhiễm trong nước, chủ yếu ở Bắc Giang và TP.HCM. Trong đó, riêng TP.HCM chiếm đến 70 ca. Số ca mới tối 1-6 nâng tổng số ca nhiễm ở Bắc Giang lên 2.376, Bắc Ninh 876, Hà Nội 414, TP.HCM 227. 

Phải đảm bảo đủ năng lực cách ly cho 30.000 người

Phát biểu kết luận cuộc họp, đối với nhóm truyền giáo Phục hưng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng có thể nhiều người biết về hoạt động của điểm nhóm này nhưng chưa đề cao cảnh giác, có sự lơ là. Từ đó, ông Bình đề nghị TP.HCM rút ra bài học nghiêm túc về sự quản lý nhà nước tại cơ sở, phát huy trách nhiệm người đứng đầu của phường, quận và các lực lượng đoàn thể, quần chúng.

Ông Bình cho rằng cần kích hoạt mạnh mẽ hệ thống chính trị, vai trò từ những người đứng đầu phường, quận cho đến TP để rà soát, ngăn chặn các điểm nhóm có nguy cơ lây lan dịch tương tự.

Về các giải pháp phòng dịch trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị TP.HCM kiên quyết, chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là không để dịch lây lan. Cụ thể, TP.HCM phải đề ra quyết tâm cao nhất là dập tắt ổ dịch phức tạp này trong 1-2 tuần. Tiếp tục phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nêu cao tinh thần đề cao cảnh giác với dịch bệnh trong mọi hoạt động.

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, ông đề nghị TP.HCM rà soát, bổ sung các bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực để áp dụng vào thực tế. Các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng chống dịch của các cơ quan chức năng; đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất; chủ động các phương án chống dịch để không bị động.

Đối với các khu cách ly tập trung, TP.HCM cần tính toán để sớm có thể đảm bảo đủ năng lực cách ly cho 30.000 người; xây dựng và đảm bảo các tiêu chí an toàn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để khẩn trương có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền từng lĩnh vực, với tinh thần là phân cấp mạnh mẽ để TP.HCM chủ động xử lý phù hợp với tình hình thực tế.

Đề xuất rút giấy phép nhóm truyền giáo Phục hưng

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết nhóm truyền giáo Phục hưng chỉ đăng ký hoạt động cấp phường và chưa phải là một tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Hai người đứng đầu nhóm truyền giáo này chỉ là mục sư tự nhận.

Chính vì thế, theo ông Thắng, Sở Nội vụ TP.HCM đã có đề xuất UBND TP tạm đình chỉ hoạt động tôn giáo ở đây để phục vụ điều tra, dập dịch. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho rằng cần có xử lý cao hơn với nhóm truyền giáo này ở mức có thể rút giấy phép, xóa tên điểm nhóm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm