Xe cấp cứu từ thiện miệt vườn

Bất kể giờ giấc, chỉ cần gọi đến đường dây nóng của ban điều hành, bệnh nhân, người bị tai nạn sẽ được tức tốc đưa đi cấp cứu, riêng hộ nghèo sẽ được miễn tất cả chi phí.

Góp tiền cắc mua xe cấp cứu

Cám cảnh chuyện người nghèo không có tiền thuê xe cấp cứu tư, trong khi xe cấp cứu công thường xuyên quá tải, ông Phạm Dũng, cán bộ văn hóa xã Hòa Hưng, cùng một số người bạn nuôi ý tưởng góp tiền mua hẳn một chiếc xe để chở bà con đi cấp cứu miễn phí.

Cuối tháng 3-2013, nghe được tâm sự này, một chủ doanh nghiệp hứa sẽ dùng hết số tiền bán chiếc xe cũ để ủng hộ cho ông Dũng. Mấy tháng sau khi bán xe, ông chủ nọ thực hiện đúng lời hứa, cộng với 10 triệu đồng từ một mạnh thường quân trong xóm, dự tính của ông Dũng vẫn còn quá xa vời. Lúc này, ông Dũng nghe thông tin có một chiếc xe cấp cứu từ huyện An Biên (Kiên Giang) đã qua sử dụng rao bán với giá 100 triệu đồng. Ông Dũng liền chạy ngược chạy xuôi cầu cứu bạn bè góp tiền ủng hộ, đồng thời xuống tận xóm ấp vận động quyên góp thêm tiền mua xe. Thật bất ngờ, từ cán bộ, người dân đến chị bán bánh xèo, em học sinh, anh thợ hồ khi nghe vận động đều nhiệt tình hưởng ứng.

“Trong đợt anh em đi vận động quyên góp thì một em nhỏ mang đến một túi đựng toàn tiền cắc. Em tên Lê Thị Châu Tuyền, học sinh Trường THCS Hòa Hưng. Nhà Tuyền không khá giả gì, mỗi ngày em tiết kiệm ống heo ít tiền để sau này chi phí việc học đại học. Vậy mà khi nghe vận động, em quyết định đập ống heo được mấy chục ngàn đồng tiền lẻ dè sẻn bấy lâu đến đóng góp.

Mấy ngày sau, vào buổi chiều tối, một anh chạy xe ôm khắc khổ đến đóng góp 30.000 đồng là tiền công chạy xe cả ngày. Anh em cảm động không nhận nhưng anh xe ôm nhất quyết ủng hộ cho bằng được” - ông Dũng nhớ lại. Chỉ gần một tuần sau, từ sự đóng góp của hơn 130 hộ dân trong xã, chiếc xe cấp cứu cũ hiệu Nissan đã về đến xóm. Sau đó, ông Dũng đã cùng một số người đứng ra thành lập ban điều hành để quản lý hoạt động của chiếc xe này.

Ban đã xin xã cho mượn trụ sở cũ của tổ y tế ấp khu phố làm nhà xe. Để người dân tiện liên lạc, trước nhà xe có in số điện thoại của bốn thành viên trong ban.

 
Xe cấp cứu từ thiện xã Hòa Hưng đang trên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: HN

Bỏ nồi bánh tét cầm vô lăng cứu người

Sau khi có xe, vấn đề nan giải khác lại phát sinh bởi khó tìm được tài xế nào bỏ công ăn việc làm để đi lái xe từ thiện không công. Anh em trong ban lại kiên trì vận động, không lâu sau đã có khoảng 10 tài xế đồng ý luân phiên đảm bảo xe chạy xuyên suốt 24/24. Có người hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng sẵn sàng thu xếp để giúp bà con, trong đó phải kể đến tài xế Nguyễn Ngọc Mạnh năm nay đã 63 tuổi. Hằng ngày vợ chồng ông Mạnh bán bánh tét ở xã An Hữu (huyện Cái Bè) kiếm sống rất chật vật. Khi nghe tin xã có xe cứu thương từ thiện nhưng thiếu tài xế, ông Mạnh giao luôn nồi bánh tét cho vợ để chuyển qua cầm vô lăng cứu người nghèo. Hiện nay, ông Mạnh là một trong bốn người cầm lái thường xuyên nhất.

“Dù lớn tuổi nhưng mỗi khi có ca bệnh gấp, 2, 3 giờ sáng chú cũng lên đường ngay” - ông Dũng kể về tài xế Mạnh.

Ban đầu xe chở miễn phí hoàn toàn nhưng sau đó do kinh phí còn eo hẹp nên ban mới tính đến chuyện miễn phí cho các hộ nghèo, còn các hộ có điều kiện khá giả hơn được vận động chịu chút đỉnh tiền xăng.

Từ số tiền này cộng với tiền vận động từ các mạnh thường quân, các tài xế được trả một ít thù lao để cải thiện cuộc sống. Theo đó, mỗi chuyến tài xế được trả trung bình 100.000-150.000 đồng cho quãng đường từ các huyện lân cận đến TP.HCM. Số tiền chỉ bằng nửa mức bình thường của tài xế dịch vụ nhưng anh em vẫn vui vẻ làm việc.

Gần một năm, xử lý hơn 200 ca

Hoạt động chưa đầy một năm, xe cấp cứu từ thiện xã Hòa Hưng đã chở hơn 200 ca đến bệnh viện kịp thời (các vụ tai nạn, chị em trở dạ bất ngờ). Hiện tại, đội xe có tổng cộng 14 người, gồm 12 tài xế và hai y tá. Tất cả anh em trong đội đều đã được tập huấn sơ bộ về nghiệp vụ sơ cứu.

Có những ngày cao điểm xe chạy đến năm ca, từ Mỹ Lương, An Thái Trung, Mỹ Đức Tây, Tân Hương đến Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đều đã in dấu bánh xe. Xe cấp cứu được trang bị đầy đủ thiết bị như bình ôxy, máy hút đờm, băng ca, các dụng cụ, thuốc men dùng để sơ cấp cứu ban đầu. “Chiếc còi chuyên dụng hàng chục triệu đồng gắn trên xe hiện nay là do gia đình của một bệnh nhân được cấp cứu kịp thời mua tặng. Cụ ông này tên Nguyễn Văn Tính ở xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè), 70 tuổi bị tai biến nặng. Lúc đó đường quốc lộ tắc nghẽn không thể chờ xe cấp cứu từ bệnh viện đến, gia đình gọi xe dịch vụ nhưng cũng không được. Nhận được điện thoại lúc 1 giờ sáng, xe từ thiện của xã Hòa Hưng tức tốc đến. Tài xế là dân địa phương nên thông thạo hết mọi ngả đường, cụ Tính được đưa đi cấp cứu tại TP.HCM kịp thời” - tài xế Mạnh kể lại.

Ông Nguyễn Văn Khá (51 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng) kể về vụ tai nạn giao thông khiến ông chấn thương đầu nặng, tình trạng rất nguy kịch vào một tối tháng 6-2013: “Êkíp mổ thời điểm đó nhận định nếu chậm khoảng nửa tiếng nữa thì tính mạng tôi đã khó giữ nổi, rất may là xe cấp cứu từ thiện ở gần đó đã đến kịp”.

Do đến năm 2017, xe đã hết hạn sử dụng nên ông Dũng cùng thành viên trong ban điều hành bàn tính đến năm sau sẽ tiếp tục vận động quyên góp tiền mua xe mới cho an toàn.

HOÀNG NAM

Nhờ mô hình này nhiều bệnh nhân nghèo đã có điều kiện khám, chữa bệnh kịp thời. Đây là một cách làm hay cần nhân rộng.

BS VÕ VĂN LÁNG, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang

Hiện nay, nhờ đóng góp của bà con nên quỹ hoạt động của ban còn dư hơn 30 triệu đồng. Số tiền này được gửi ngân hàng, khi cần sửa chữa xe sẽ trích ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm