Xuất hiện người thứ 2 được điều trị HIV thành công

Một người đàn ông sống ở Anh đã trở thành người trưởng thành thứ hai được chữa khỏi HIV sau khi anh ta được ghép tủy xương từ một người hiến tặng kháng HIV, các bác sĩ của anh cho biết.

Theo báo The Guardian, bệnh nhân này đã được ghép tế bào gốc tủy xương của một người hiến tạng có đột biến gen hiếm gặp kháng HIV cách đây 3 năm. Hơn 18 tháng sau đó, các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này không còn bất cứ dấu vết nào của bệnh HIV.

"Hiện chúng tôi không phát hiện bất cứ virus HIV nào trong cơ thể anh ta. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng anh ấy đã hoàn toàn khỏi bệnh" -  Giáo sư Ravindra Gupta, chuyên nghiên cứu HIV của đại học Cambridge, đồng thời là trưởng nhóm điều trị cho bệnh nhân kể trên cho biết.

Được biết, bệnh nhân đặc biệt này đến từ London, Anh. Ông được điều trị theo cùng phương pháp điều trị đối với ông Timothy Brown, người Đức, người đàn ông đầu tiên được chữa khỏi HIV hoàn toàn vào năm 2007.

Giáo sư Gupta bắt đầu điều trị cho bệnh nhân người London từ năm 2016. Người này được biết đã nhiễm HIV từ năm 2003. Đến năm 2012, ông tiếp tục được chẩn đoán mắc một loại ung thư máu có tên là Hodgkin.

Ông Timothy Brown, người Đức, bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được điều trị thành công HIV vào năm 2007. Ảnh: AP

Đến năm 2016, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này bắt đầu nặng và các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấy ghép cho anh ta. Người hiến tạng là một người có đột biến gen được gọi là CCR5 delta 32, có khả năng kháng HIV.

Việc cấy ghép đã diễn ra tương đối suôn sẻ, nhưng có một số tác dụng phụ, trong đó bệnh nhân phải trải qua giai đoạn "ghép chống chủ thể", tức một số tế bào miễn dịch của người hiến tặng tấn công các tế bào miễn dịch của người nhận.

Hiện, các chuyên gia vẫn chưa rõ, liệu đột biến CCR5 là chìa khóa duy nhất để loại bỏ virus HIV hay chính biến chứng "ghép chống chủ thể" là yếu tố thành công, bởi cả bệnh nhân Timothy Brown và bệnh nhân người London đều gặp biến chứng này.

Giáo sư Gupta cho biết nhóm của ông đã lên kế hoạch sử dụng những phát hiện này để khám phá các chiến lược điều trị HIV tiềm năng.

Trường hợp của bệnh nhân người London này được báo cáo trên tạp chí Nature và công bố tại một hội nghị y tế ở Seattle (Mỹ) vào hôm 5-3 với yêu cầu đội ngũ y tế không tiết lộ tên, tuổi, quốc tịch và các chi tiết khác.

Đại dịch HIV-Aids đã giết chết khoảng 35 triệu người trên toàn thế giới kể từ khi nó được phát hiện vào những năm 1980 và nhanh chóng lan nhanh toàn cầu. HIV tấn công mọi đối tượng nhưng chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, trẻ em.

Thực tế, chưa có phương pháp điều trị nào đi tới giai đoạn cuối của cuộc thử nghiệm. Ảnh: INDIA SAMVAD

Dù đã có một vài phương hướng tiếp cận có thể mang lại một điều trị chức năng HIV, nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn phía trước. Một trong những quan ngại lớn nhất xung quanh các phương pháp điều trị HIV đó là khả năng loại virus này có thể đột biến và tăng sức đề kháng một cách nhanh chóng. Và đối với nhiều phương pháp mới, vẫn chưa có số liệu thống kê về việc liệu virus HIV có thể kháng cự được không.

Thực tế, chưa có phương pháp điều trị nào đi tới giai đoạn cuối của cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, đây sẽ là một cột mốc quan trọng đánh dấu những giai đoạn thí nghiệm cuối cùng sẽ được tiến hành. Nếu như thành công, điều này có thể sẽ giúp các phương pháp chữa trị HIV trong những năm sau đó được chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm