Xung đột Israel - Hamas leo thang nguy hiểm sang Bờ Tây

(PLO)- Bên cạnh Dải Gaza, lãnh thổ Bờ Tây của Palestine cũng đang chứng kiến sự leo thang nguy hiểm khi cuộc xung đột Israel - Hamas bước sang tuần thứ ba và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột Israel - Hamas đã bước sang ngày thứ 18 và ngày càng diễn biến phức tạp đáng ngại. Chiến trường chính vẫn là Dải Gaza, tuy nhiên những ngày qua khu Bờ Tây của Palestine liên tục chứng kiến các diễn biến leo thang nguy hiểm.

“Đêm đẫm máu nhất ở Gaza”

Ngày 23-10, lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã thực hiện hàng chục cuộc không kích vào Dải Gaza xuyên đêm, biến đêm 22-10 và rạng sáng 23-10 trở thành “đêm đẫm máu nhất ở Gaza” theo cách gọi của các phương tiện truyền thông. Theo hãng thông tấn Palestine WAFA, có đến 379 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel khoảng thời gian này.

Một trong những cuộc tấn công dữ dội nhất nhắm vào khu Shuhada bên trong trại tị nạn Jabalia khiến 30 người thiệt mạng. Máy bay quân sự Israel cũng không kích gần hai bệnh viện trên Dải Gaza là Al-Shifa và Al-Quds.

Anh-bai-chinh-P16-dang-24-10-2023.jpg
Tìm người sống sót trong đổ nát do không kích ở Dải Gaza vào ngày 22-10. Ảnh: AFP

Ngoài không kích, trong ngày 22-10 một nhóm lính Israel đột kích vào TP Khan Younis ở Dải Gaza. Lữ đoàn Al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas cho biết đã đẩy lùi cuộc đột kích, buộc nhóm lính Israel bỏ phương tiện và rút lui. Diễn biến được cho là một trong những cuộc giao tranh trực tiếp đầu tiên giữa hai bên trên thực địa bên trong Dải Gaza kể từ khi xung đột bùng phát hôm 7-10.

Người phát ngôn lực lượng Phòng vệ Israel - ông Daniel Hagar cho biết lính Israel đột kích vào Khan Younis để xác định vị trí các tù nhân bị Hamas bắt ở TP này và “phá hủy cơ sở hạ tầng của bọn khủng bố” nhằm chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ ở Gaza. Theo ông Hagar, một binh sĩ Israel thiệt mạng và ba binh sĩ bị thương sau khi trúng đạn từ xe tăng của Hamas.

Leo thang nguy hiểm sang Bờ Tây

Tình hình ngày càng đáng ngại khi xung đột ngày càng lan nguy hiểm sang Bờ Tây. Lực lượng Phòng vệ Israel xác nhận đã không kích nhà thờ Hồi giáo ở TP Jenin trên Bờ Tây vào sáng 22-10 với lý do ngăn chặn “một cuộc tấn công khủng bố sắp xảy ra”. Ba người chết trong vụ này, theo Bộ Y tế Palestine. Bộ Ngoại giao Palestine phản ứng dữ dội, gọi vụ tấn công là “sự leo thang nguy hiểm” và là “một nỗ lực nhằm đưa mô hình ném bom Dải Gaza tới các khu vực ở Bờ Tây”. Từ khi xung đột nổ ra ngày 7 đến 23-10, khu Bờ Tây mất 92 người, khoảng 1.400 người bị thương.

Đài CNN dẫn thông tin từ một tổ chức theo dõi tù nhân Palestine cho biết ít nhất 85 người ở TP Ramallah và TP Bethlehem thuộc Bờ Tây đã bị lính Israel bắt đi trong thời gian đêm 22-10 sáng 23-10. Đã có hơn 1.200 người ở Bờ Tây bị bắt kể từ đầu tháng. CNN cho biết đã liên lạc nhưng phía Israel chưa xác nhận. WAFA đưa tin rằng ngày qua lính Israel đã tấn công vào Ramallah và bắt ít nhất 14 người Palestine.

Trước khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, căng thẳng bạo lực giữa phía Israel và người Palestine ở Bờ Tây cũng rất cao. Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), tám tháng đầu năm 2023, trung bình mỗi ngày có tới ba vụ người Palestine ở Bờ Tây bị tấn công. Kể từ ngày 7-10, số vụ tấn công tăng lên trung bình tám vụ mỗi ngày, khiến 13 cộng đồng người Palestine phải di dời khỏi khu vực.

Chạy đua ngoại giao ngăn xung đột leo thang

Bạo lực xung đột ở các biên giới Israel - Lebanon, Israel - Syria chưa dừng lại.

Nhóm Hezbollah ở Lebanon thông báo có tới 12 chiến binh nhóm này thiệt mạng trong giao tranh với Israel ngày 22-10, nâng tổng số chiến binh Hezbollah thiệt mạng từ ngày 7-10 lên 25 người. Hezbollah cũng cho biết đã tấn công một số đồn bốt của Israel trên đường biên giới giữa Israel - Lebanon. Bộ Quốc phòng Israel ngày 22-10 tuyên bố mở rộng sơ tán dân thường khỏi các cộng đồng gần biên giới với Lebanon.

Tờ The New York Times ngày 23-10 dẫn một số nguồn quan chức Mỹ rằng Mỹ đã khuyên Israel trì hoãn cuộc đổ bộ dự kiến vào Dải Gaza, để có thêm thời gian đàm phán giải cứu 212 con tin bị Hamas bắt giữ cũng như có thêm viện trợ đến với người dân ở Gaza.

Truyền thông Syria đưa tin tên lửa của Israel tấn công các sân bay quốc tế Damascus và Aleppo vào sáng 22-10 khiến hai nhân viên thiệt mạng, hai sân bay ngừng hoạt động.

Israel đã xác nhận và xin lỗi phía Ai Cập vụ một xe tăng của Israel ngày 22-10 “vô tình bắn trúng một đồn biên phòng của Ai Cập” tại khu vực Kerem Shalom (Israel), giáp với cả Ai Cập và Gaza. Ai Cập xác nhận một số lính biên phòng nước mình bị thương nhẹ sau vụ việc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 22-10 cho biết Washington “lo ngại về khả năng xung đột leo thang” ở Trung Đông, theo đài ABC NEWS.

Trước nguy cơ này, các nỗ lực ngoại giao ngày càng được tăng tốc. Ngày 22-10, các lãnh đạo Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý và Anh ra tuyên bố chung nhấn mạnh sự ủng hộ với Israel song cũng kêu gọi Israel tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ dân thường. Các lãnh đạo bày tỏ mong muốn về một “giải pháp chính trị và hòa bình lâu dài” ở Trung Đông, cam kết sẽ nỗ lực ngoại giao với “các đối tác chủ chốt trong khu vực” để “ngăn chặn xung đột lan rộng”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến Israel ngày 23-10.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (TQ) CCTV ngày 23-10 dẫn lời đặc phái viên của chính phủ TQ về vấn đề Trung Đông Trác Tuyển mô tả tình hình “rất nghiêm trọng” ở Dải Gaza, cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột trên bộ quy mô lớn cũng như khả năng xung đột vũ trang lan sang các nước láng giềng. Ông Trác khẳng định TQ sẵn sàng làm “bất cứ điều gì có lợi” để thúc đẩy đối thoại, đạt được lệnh ngừng bắn và khôi phục hòa bình ở Trung Đông.•

Viện trợ tiếp tục vào Dải Gaza nhưng vẫn nhỏ giọt

Sáng 23-10, thêm đoàn xe thứ ba chở hàng viện trợ vào Dải Gaza từ cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập, theo CNN. Tính đến nay đã có ba đợt xe chở hàng viện trợ vào Dải Gaza với tổng cộng 34 chiếc. Khác hai đợt viện trợ trước, các chuyến hàng sáng 23-10 ngoài thực phẩm, nước, thuốc men, vật tư y tế, còn có nhiên liệu - thứ đang cạn kiệt dần và rất cần ở Gaza.

Theo Liên hợp quốc, số hàng viện trợ mỗi ngày chỉ bằng 3% lượng viện trợ mà người dân Gaza nhận mỗi ngày trước xung đột. Các tổ chức viện trợ cảnh báo rằng việc cung cấp hàng cứu trợ phải được duy trì ổn định vì hiện tại nó “chỉ là giọt nước dưới đại dương” và không thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn của 2,3 triệu người dân Gaza đang oằn mình trong xung đột và phong tỏa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm