Những người bị câm, điếc, thiểu năng trí tuệ… khi đến với xưởng gốm này được “biên chế” trở thành những công nhân đặc biệt. Hằng ngày những sản phẩm gốm Raku được làm tỉ mỉ, có trách nhiệm bởi bàn tay của họ.
Nếu tình cờ được cầm trên tay chiếc bình hoa bằng gốm Raku (một thương hiệu gốm nổi tiếng ở Nhật), nó sẽ cuốn hút bạn ngay lập tức bởi những đường nét tinh tế cùng màu sắc sắc sảo. Ngỡ ngàng hơn bởi bên dưới các sản phẩm có dòng chữ Trung tâm Hy Vọng, một ngôi nhà chung của những người khuyết tật tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Những đôi tay tài hoa vượt lên số phận
Trung tâm Hy Vọng được đặt tại số 20 Nhật Lệ, TP Huế. Đến trung tâm vào những ngày đầu hè, không khí tất bật với tiếng phát ra cọt kẹt từ chiếc bàn xoay tạo hình gốm. Những công nhân khuyết tật đang chăm chú dùng tay se trên những chiếc bàn quay, hình dạng đồ gốm dần dần được hình thành.
Thấy ngư ời lạ đến , những công nhân đặc biệt này ngẩng mặt lên cười chào khách. “Làm… vui… lắm!” câu trả lời đứt quãng kèm tiếng cười hồn nhiên của một chàng trai làm việc tại đây khi được hỏi về công việc làm gốm. Qua người quản lý chúng tôi được biết em là Võ Thành Long, đang mắc chứng thiểu năng trí tuệ. Năm nay Long 23 tuổi, là một trong những người tham gia những mẻ gốm đầu tiên tại trung tâm vào tám năm trước.
Xưởng gốm bao quanh bởi những khối đất sét, những chiếc bàn xoay và nhiều sản phẩm gốm Raku được đặt trên giá tủ. Trong không gian yên tĩnh ấy, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng giao tiếp í ới không rõ ràng. Trên các kệ, nhiều sản phẩm được bày bán cho người dân và khách du lịch mỗi lần đến thăm trung tâm.
Xưởng gốm có khoảng 20 người khuyết tật đang làm việc. Ở một góc có một ông Tây trên 60 tuổi ngồi chăm chú hướng dẫn cho một công nhân mới. Em bị khiếm thính nên giao tiếp giữa họ chủ yếu là nhờ vào đôi bàn tay và những biểu hiện trên khuôn mặt. Ông là nghệ nhân gốm Olivier Oet, 62 tuổi, đến từ thủ đô Paris, Pháp. Ông cũng chính là linh hồn của xưởng gốm này, người đã đứng ra thành lập xưởng và truyền nghề cho những học trò khuyết tật tại trung tâm.
Thầy Olivier Oet hướng dẫn cho một trong các học trò đặc biệt của mình tại xưởng gốm. Ảnh: N.DO
Thầy Tây tận tụy truyền nghề
Ông Olivier Oet bén duyên với Trung tâm Dạy nghề Hy Vọng từ năm 2012. Khi đó, ông Olivier đã cùng vợ thường xuyên đến Việt Nam thực hiện các dự án giúp đỡ người khuyết tật. Khi đến với trung tâm này, ông đã hình thành xưởng gốm Raku để tạo ra một cần câu mưu sinh cho các em khuyết tật. Theo ông Olivier, đối với những người đặc biệt này thì tất nhiên những “chiếc cần câu” ấy cũng phải đặc biệt.
Trung tâm rất mong có nhiều hơn nữa các công ty lữ hành, các đoàn tour quan tâm khảo sát “Raku tour” để đưa mô hình du lịch này vào trong những điểm đến phục vụ cho du khách. Không chỉ là một mô hình du lịch thú vị, hơn hết “Raku tour” còn là hoạt động ý nghĩa, góp phần nào giúp những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng, Huế |
“Vì có những khiếm khuyết thể chất và trí tuệ nên một em không thể đảm nhận hết các công đoạn từ nhào đất đến hoàn thành một sản phẩm. Có những công đoạn mà những em bị thiểu năng không thể làm được. Như nung gốm cần sự tỉ mỉ hơn thì những em bị khiếm thính có thể làm tốt hơn. Các em sẽ bù đắp cho nhau để trở thành những người thợ hoàn chỉnh, lành nghề” - ông Olivier nói.
Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy cho những người khuyết tật càng khó hơn. Dường như ông Olivier đã sử dụng mọi công cụ có thể để giúp các em hiểu được ý mình. Sau khi một số em thành nghề thì lại chỉ bảo cho nhau. Vì theo ông Olivier không ai có thể hiểu, đồng cảm với các em bằng chính những người chung cảnh ngộ.
“Gốm Raku đặc biệt bởi không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Vì không giới hạn về mặt ý tưởng nên người khuyết tật cũng có thể tự do sáng tạo nghệ thuật theo suy nghĩ của mình. Qua việc làm gốm Raku, tôi mong muốn người khuyết tật tự tin vào bản thân hơn khi biết mình cũng có thể làm ra được những sản phẩm như bao người bình thường khác” - ông Olivier nói.
Dưới sự chỉ dạy tận tụy của thầy Olivier, từ những phút đầu bỡ ngỡ, hiện nay nhiều học trò của ông tại trung tâm đã có thể làm ra những sản phẩm gốm Raku độc đáo và tinh tế như hoa, ly, tạo hình các con vật... Và như thế mỗi năm ông dành ít nhất hai lần bay sang Việt Nam, mỗi lần ở lại khoảng một tháng để dạy nghề gốm.
Sau một thời gian dài phát triển dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy Olivier, đến nay những học viên tại xưởng gốm Raku đã có thể tự tin làm người chỉ dẫn trực tiếp cho khách ngay tại xưởng gốm của mình.
Ước mong một “Raku tour” đầy ắp tình cộng đồng Ngồi nhìn các em khuyết tật tạo hình sản phẩm, ông Olivier cho biết về lâu dài, mong muốn lớn nhất của ông là có thể hình thành nên mô hình du lịch mang tên “Raku tour”. “Du lịch hướng về cộng đồng đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Tôi chưa thấy ai từng đến trải nghiệm làm gốm Raku tại trung tâm trở về mà không hài lòng, ngược lại ai cũng đánh giá rất cao. Du khách ra về được hưởng thụ ngay sản phẩm do mình làm ra, còn người khuyết tật được hòa nhập, được hưởng lợi từ chi phí tour” - ông Olivier nói. |