Dán nhãn năng lượng ô tô: Phiền toái, tốn kém!

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 40/2017 hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với ô tô con loại trên bảy chỗ đến chín chỗ. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018.

Trước khi đưa ô tô ra thị trường phải dán nhãn

Theo đó, việc dán nhãn năng lượng này áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe, kiểm tra, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và chứng nhận dán nhãn năng lượng xe. Các ô tô con 7-9 chỗ sẽ phải được dán nhãn năng lượng theo quy định trước khi đưa ra thị trường.

Thông tư không bắt buộc áp dụng đối với xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự; xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ…

Ngày 23-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Vụ Môi trường - Bộ GTVT giải thích việc dán nhãn năng lượng nhằm giúp doanh nghiệp (DN) cung cấp cho người tiêu dùng biết thông tin về sản phẩm như xe tiêu hao năng lượng ra sao, ít hay nhiều. Qua đó họ biết được sản phẩm mình chuẩn bị mua như thế nào.

“Việc dán nhãn có lợi cho cả DN lẫn người tiêu dùng. Tất nhiên, cũng có người đặt vấn đề nhiều xe nhập khẩu từ châu Âu đã tốt rồi sao phải dán nhãn. Nhưng có gì để thể hiện nó tốt, đâu phải xe nào nhập khẩu từ châu Âu cũng tốt” - vị này bày tỏ quan điểm.

Cũng theo vị lãnh đạo Vụ Môi trường, việc triển khai dán nhãn không gây phiền hà cho DN. “Vì dán nhãn năng lượng trên do DN tự thực hiện, tự chịu trách nhiệm về thông tin trên nhãn... DN sản xuất, nhập khẩu chỉ cần cung cấp các thông tin như nơi sản xuất, tên DN, mức tiêu hao nhiên liệu, các tiêu chuẩn về khí thải… để cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm” - đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Từ ngày 1-1-2018, ô tô 7-9 chỗ bắt buộc phải dán nhãn năng lượng khi bán trên thị trường. Ảnh: QUANG HUY

Tốn kém, không cần thiết

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cả DN lẫn người dùng đều có lợi nếu không dán nhãn năng lượng. Ông Thành Trung, đại diện một công ty kinh doanh ô tô nhập khẩu từ châu Âu, dẫn chứng từ năm 2015 đến nay ô tô dưới bảy chỗ phải dán nhãn năng lượng. Hiện tại, mỗi lô xe dưới bảy chỗ nhập khẩu về đều phải đưa mẫu đi kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Sau đó DN sẽ tự dán nhãn năng lượng dựa trên kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng.

“Nay lại tiếp tục mở rộng việc dán nhãn cho xe 7-9 chỗ thì DN càng thêm nhức đầu vì thời gian kiểm tra mỗi mẫu xe đến lúc có kết quả phải chờ khoảng 20 ngày, có khi hơn. Điều bất hợp lý là cùng một mẫu xe, DN nhập nhiều lần cũng bắt buộc phải kiểm từng mẫu. Chi phí kiểm tra mỗi mẫu xe khoảng vài chục triệu đồng, ngoài ra còn phải tốn thời gian chờ đợi, nhân lực phụ trách… Điều này làm tăng giá ô tô lên” - vị đại diện DN này chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống ô tô Toyota đã qua sử dụng, cũng cho rằng đáng lẽ cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cho DN thì nay lại bổ sung quy định dán nhãn năng lượng cho xe 7-9 chỗ. Thủ tục, thời gian, chi phí… đem hàng đi kiểm cũng tăng lên, đó là khó khăn lớn nhất của DN.

Nhãn năng lượng là nhãn dán trên thiết bị, cung cấp thông tin mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị đó. Thông thường có hai loại nhãn là nhãn hình ngôi sao và nhãn hình chữ nhật.

Dán nhãn năng lượng ô tô: Phiền toái, tốn kém! ảnh 2

Riêng với nhãn năng lượng của xe, theo giải thích của Bộ GTVT, là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe. Qua đó giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe tiết kiệm nhiên liệu.

Nhãn năng lượng do nhà sản xuất ô tô tự in sau khi được cơ quan quản lý kiểm tra, xác nhận và dán bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau.

Trong khi đó, theo các DN, các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe… đã được nhà sản xuất cung cấp thông qua các catalogue hoặc thể hiện trên thân xe. Vì vậy, không cần thiết phải “đẻ” thêm thủ tục dán nhãn năng lượng.

“Để được cấp nhãn năng lượng, các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải lập một bộ hồ sơ gửi cơ quan quản lý chất lượng. Ví dụ bản đăng ký mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe theo mẫu quy định; tài liệu chứng minh mức tiêu thụ nhiên liệu đăng ký tự công bố... Sau đó là chờ đợi cơ quan quản lý chất lượng xem xét, công bố về hồ sơ đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện dán nhãn năng lượng” - bà Hiền dẫn chứng.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng đánh giá quy định dán nhãn năng lượng đã gặp nhiều ý kiến phản đối khi áp dụng đối với ô tô dưới bảy chỗ nhưng không được cơ quan quản lý tiếp thu. Việc dán thêm nhãn năng lượng là không cần thiết và gây lãng phí rất lớn tiền của xã hội.

“Vì để làm được việc này phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhân lực kiểm định trước khi dán nhãn. Đặc biệt, những người mua xe phải trả thêm phí này vì nó được nhà sản xuất đưa vào các yếu tố cấu thành giá xe. Hiện nay, để sở hữu được một ô tô người dân phải trả nhiều loại phí, lệ phí rồi, nếu thêm phí dán nhãn năng lượng nữa thì chi phí mua xe tiếp tục đội lên, chưa kể việc này sẽ mất thời gian, chi phí DN. Hiện nhiều nước trên thế giới không áp dụng quy định này” - ông Đồng phân tích.

Bộ Công Thương bỏ quy định về dán nhãn năng lượng

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 36/2016 bãi bỏ hoàn toàn những quy định trong Thông tư 07/2012 trước đó về dán nhãn năng lượng (máy lạnh, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện, đèn chiếu sáng...). Theo đó, áp dụng hình thức để DN tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện, thiết bị sản xuất, nhập khẩu; DN tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.

Nguyên nhân Bộ Công Thương bãi bỏ chương trình dán nhãn năng lượng vì sau bốn năm thực hiện không mang lại hiệu quả, gây rất nhiều phiền phức, khó khăn, tốn kém, không phù hợp với thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.