'Phạm Công Danh có tội thì nhóm bà Trần Ngọc Bích là đồng phạm giúp sức'

Sau phần buộc tội và đề nghị mức án đối với các công tố, luật sư (LS) Phan Trung Hoài, Đoàn LS TP.HCM, bắt đầu bài bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh. Tại phiên tòa này, bị cáo Danh có bốn LS tham gia bảo vệ quyền và lợi ích.

Đáng chú ý, LS Hoài đã nhấn mạnh đường đi của dòng tiền trong đại án và phân tích sâu về các khoản tiền liên quan nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát).

Bị cáo Phạm Công Danh sau phiên xử sáng 17-8

Bị cáo Phạm Công Danh sau phiên xử sáng 17-8.

Mối quan hệ giữa ông Danh và Tân Hiệp Phát

Trong bút lục, ông Danh khai: “Do cần tiền để tái cấu trúc ngân hàng, tôi và cô Phạm Thị Trang bàn bạc vay mượn tiền ở nhiều nơi, trong đó có ông Trần Quí Thanh (nhóm Tân Hiệp Phát). 

Sau khi nhờ cô Trang liên hệ, tôi và Trang có gặp ông Thanh, con gái của ông Thanh là cô Bích và cô Phương nhiều lần để thỏa thuận”.
 
Ông Danh đã khai nhất quán từ đầu, khẳng định chỉ có một quan hệ duy nhất là quan hệ vay mượn với nhóm bà Bích.

Như ông Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) trình bày trước tòa, nhóm bà Bích có nguồn tiền lớn để gửi VNCB, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm để vay và cho ông Danh vay lại. Hàng tháng ông Danh trả lãi cho nhóm bà Bích thì nhóm này lại mở một sổ tiết kiệm mới.

Ông Mai khẳng định về mặt bản chất, nhóm bà Bích dùng sổ tiết kiệm cầm cố vay tiền của VNCB Chi nhánh Sài Gòn là cứu cánh của VNCB vào thời điểm đó và để cho ông Danh vay tiền.

"Ông Mai còn khai rõ về bản chất 5.490 tỉ đồng tiền vay của 17 khách hàng trên sau khi được VNCB giải ngân cho ông Danh vay, ông Danh phải trả lãi 2%” - LS dẫn chứng.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, dù bà Bích khai chỉ có quan hệ cho Phạm Thị Trang (Trang "phố núi") vay nhưng không có bất cứ chứng từ, tài liệu nào chứng minh.

Chính CQĐT xác nhận lời khai của bà Bích là “các cam kết giữa Bích và Trang đều không có giấy tờ, tài liệu ghi nhận. Bích không trực tiếp một mình đứng tên gửi tiền tại TrustBank mà cho người nhà và một số nhân viên của Tân Hiệp Phát đứng tên (còn gọi là nhóm Dr Thanh)”.

Cáo trạng VKSND Tối cao cũng tiếp cận theo hướng xác định để có tiền trả các khoản nợ và các khoản chi phục vụ hoạt động Tập đoàn Thiên Thanh, sau khi đã nắm quyền chi phối, kiểm soát VNCB, Danh đã thông qua Trang đặt vấn đề với nhóm bà Bích (ông Thanh, và Bích và một số thành viên gia đình) gửi tiền vào VNCB để Danh làm các thủ tục vay-rút tiền.

Dòng tiền ngàn tỉ đi thế nào

Xét về bản chất, LS cho đây là vụ việc cho vay mượn giữa nhóm bà Bích và ông Danh, dùng VNCB như là công cụ để bảo lãnh khoản cho vay cá nhân sai quy định về quản lý tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp lý có liên quan khác.

Lợi ích từ việc cho vay của các cá nhân do các bên thụ hưởng nhưng khi có rủi ro hay tranh chấp xảy ra thì VNCB sẽ phải gánh chịu, các thiệt hại vật chất sẽ gây tổn thất cho ngân hàng và ngân sách nhà nước.

Ở các lần giao dịch đầu, quan hệ vay trả diễn ra sòng phẳng, các bên đã hợp thức hóa đầy đủ các chứng từ bị treo lại theo thỏa thuận và gửi đầy đủ chứng từ cho VNCB lưu.

Đến thời điểm ông Danh không thể trả được nợ cho nhóm bà Bích nữa với số tiền phát sinh cuối cùng ở hai đợt chuyển tiền vào ngày 21 và 26-8-2013 là 5.190 tỉ đồng.

Các chứng từ của việc chuyển tiền vẫn đang bị treo lại và chưa được hợp thức hóa từ nhóm bà Bích cho phía ông Danh và VNCB. Xét về ý chí và hành vi, nhóm bà Bích đã thể hiện đầy đủ ý chí cũng như nhận thức và tham gia vào quy trình cho vay và thế chấp bằng sổ tiết kiệm rất nhiều lần trước đó.

Nếu chấp nhận yêu cầu về mặt dân sự của nhóm bà Bích, sau khi tất toán thì 124 sổ tiết kiệm đang được kê biên sẽ phải hoàn trả ngay cho nhóm bà Bích, đồng nghĩa với việc VNCB phải sử dụng nguồn tiền gửi của người dân để trả 5.490 tỉ đồng cho nhóm này một cách phi lý.

Các bị cáo tại phiên xử

Xét về cả tình và lý, việc các bên cho nhau vay mượn, từng hưởng lợi lớn từ lãi suất vượt trần, từ hành vi sai trái này bây giờ các bên phải có trách nhiệm tự giải quyết hậu quả với nhau.

Cụ thể, ông Danh nhận thức và trình bày rõ tại tòa sẽ chịu trách nhiệm trả nợ cho nhóm bà Bích chứ không thể để VNCB (nay là CB) trở thành công cụ để các bên lợi dụng, bảo đảm cho các thỏa thuận và giao dịch cá nhân. Điều này vừa gây thiệt hại cho lợi ích của VNCB vừa gây tổn thất cho ngân sách nhà nước và xã hội.

Xét một cách thực chất, việc VNCB đang nắm giữ 124 sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích, trong khi tòa án chưa phân định quan hệ tranh chấp giữa nhóm bà Bích và VNCB, chứng minh rõ VNCB không bị thiệt hại nên không có căn cứ để quy buộc khoản tiền 5.490 tỉ đồng là hậu quả hành vi cố ý làm trái của ông Danh.

Về mặt pháp lý, luật sư cho rằng: "Quan hệ gửi tiền, vay tiền và nhận lãi ngoài của nhóm Dr Thanh với VNCB, cá nhân ông Danh có hai cách tiếp cận và đánh giá:
 
Một là, nếu quy buộc ông Danh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì nhóm bà Bích chắc chắn phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi cố ý làm trái, giúp sức cho Danh trong việc lập hồ sơ, chứng từ giả, có dấu hiệu nhận các khoản lãi vượt trần trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
 
Hai là, nếu xác định nhóm bà Bích không có dấu hiệu đồng phạm thì rõ ràng bản chất là giao dịch giữa hai bên là giao dịch dân sự, không có yếu tố hình sự và VNCB không bị thiệt hại vì hiện nay VNCB vẫn đang nắm giữ 124 sổ tiết kiệm.

Nếu nhóm bà Bích cho rằng mình bị thiệt hại thì có quyền yêu cầu khởi kiện ra Tòa Dân sự để giải quyết" - LS phân tích.

Chiều nay phiên xử tiếp tục phần bào chữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm