Sau phiên bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ về Jerusalem ngày 21-12, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã mời 64 nước không phản đối Mỹ cùng dự buổi tiệc chiêu đãi vào ngày 3-1 tới nhằm “cảm ơn tình hữu nghị của các bạn với Mỹ”, theo thư mời Reuters có được. 64 nước gồm chín nước đã bỏ phiếu chống, 35 nước bỏ phiếu trắng, 21 nước không bỏ phiếu.
Trên Twitter, bà Haley cũng bày tỏ sự cảm kích đến các nước đã không bỏ phiếu chống lại Mỹ và “không hành động vô trách nhiệm tại LHQ”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ngày 21-12. Ảnh: AFP
Phiên bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an LHQ đã không thể thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem, dù được tới 14 nước ủng hộ, vì vướng phiếu phủ quyết của Mỹ.
Trong nỗ lực phong tỏa nghị quyết, ngày 20-12 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cắt viện trợ nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ về vụ Jerusalem. Trước đó bà Haley vừa viết trên Twitter vừa gửi thư đến cả 180 nước cảnh cáo Mỹ sẽ “ghim tên” nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp đe dọa, đã có tới 128 nước đã chọn bỏ phiếu thông qua nghị quyết, mặc các đe dọa từ Trump và bà Haley.
Ngoại trưởng Palestine Riad al-Malki phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ, nhận định LHQ đang trải qua một phép thử chưa có tiền lệ. Ảnh: AFP
Sau phiên bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ, trước 193 nước thành viên, bà Haley tiếp tục cảnh cáo Mỹ sẽ không nhân nhượng các nước “thiếu tôn trọng” mình, sẽ ghi nhớ các nước tấn công Mỹ tại phiên bỏ phiếu này, dọa sẽ giảm đóng góp cho LHQ.
“Mỹ sẽ ghi nhớ ngày này, ngày Mỹ bị tấn công ở Đại Hội đồng LHQ vì đã thực hiện quyền của một nước có chủ quyền. Chúng tôi sẽ ghi nhớ khi chúng tôi một lần nữa bị kêu gọi trở thành nước đóng góp nhiều nhất cho LHQ. Chúng tôi sẽ ghi nhớ khi bị nhiều nước kêu gọi, như họ vẫn thường làm, phải đóng góp nhiều hơn nữa, cũng như sử dụng ảnh hưởng của chúng tôi cho quyền lợi của mình”.
Đặc phái viên Israel tại LHQ Danny Danon phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ, chỉ trích các nước ủng hộ nghị quyết là “bù nhìn” bị Palestine kiểm soát. Ảnh: AFP
Bà Haley khẳng định Mỹ sẽ vẫn chuyển đại sứ quán tại Tel Aviz (Israel) về Jerusalem, rằng kết quả bỏ phiếu chẳng ảnh hưởng gì đến chính sách của Mỹ nhưng sẽ ảnh hưởng đến cách Mỹ nhìn nhận về LHQ và các thành viên.
Trong phiên họp khẩn sau phiên bỏ phiếu, Đại Hội đồng LHQ bàn một dự thảo nghị quyết tái khẳng định Jerusalem là vấn đề cần phải được giải quyết thông qua thương lượng, bất kỳ quyết định nào về tình trạng Jerusalem đều không có giá trị pháp lý và phải hủy bỏ.