Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2014 trước Quốc hội (QH) chiều 28-7, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết chi thường xuyên tăng gần 19.000 tỉ đồng (2,7% dự toán). Đáng chú ý, kết quả kiểm toán cho thấy hầu hết các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều có tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt. Nhiều địa phương còn sử dụng nguồn vốn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách…
Cứ kiểm toán là thấy sai phạm
Qua quyết toán chi NSNN 2014, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Nguyễn Đức Hải trình bày cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề tồn tại. Chẳng hạn, chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) có nhiều sai phạm nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.
“Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm. Tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng. Ứng trước kế hoạch vốn lớn nhưng chậm thu hồi. Nợ đọng trong đầu tư XDCB còn lớn...” - ông Hải cho biết.
Đáng chú ý, theo ông Hải, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để.
Bức xúc trước tình hình này, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng hầu hết các bộ, ngành đều chi không đúng chế độ, vượt định mức. “Thủ tướng nói Chính phủ sẽ đi đầu trong việc quản lý xe công cho hiệu quả. Đại biểu chuyên trách đi xe 1.8 (dung tích động cơ), giỏi lắm là 2.0 nhưng tôi thấy các bộ, ngành toàn là 2.4, 3.0. Vậy tiền ở đâu?... Phải làm rõ ai để xảy ra tình trạng này” - ông Minh nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Chi lố mà chỉ rút kinh nghiệm
Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN năm 2014 xấp xỉ 250.000 tỉ đồng, tăng hơn 25.000 tỉ đồng so với dự toán đã được QH quyết định. Sở dĩ có việc này do giải ngân vốn ODA năm 2014 cao hơn dự kiến hơn 26.000 tỉ đồng, chủ yếu cho các dự án giao thông, thủy lợi... cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến chấp thuận và đề nghị QH cho phép bổ sung hơn 26.000 tỉ đồng vào dự toán chi NSNN năm 2014, đồng thời cho đưa vào quyết toán NSNN năm 2014 số tiền nêu trên.
Không đồng tình với đề xuất này, ông Minh cho rằng đây là việc “tiền trảm hậu tấu”, thể hiện việc chấp hành pháp luật không nghiêm. “Năm ngoái cũng có khoản chi thế này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ đề nghị rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, rút kinh nghiệm cái gì nữa? Tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm việc này. Chính phủ cần phải giải trình đầy đủ” - ông Minh gay gắt.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị cho thanh tra, kiểm tra các đơn vị vi phạm. “Không thể để tình trạng vi phạm ngân sách cứ lặp đi lặp lại thế này. Tôi đề nghị phải giao cho các cơ quan thanh tra, công an điều tra vào cuộc. Nếu cần thiết thì phải xử lý hình sự; không thì lại cứ chỉ ra nhiều sai phạm rồi lại thông qua thì không có tác dụng” - bà Khánh nói.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Đặt chống oan, sai lên nhiệm vụ hàng đầu Tòa án, với chức năng là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, có nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc chống oan, sai. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Giải pháp căn cơ thì không có cách nào khác là phải tuân thủ pháp luật, nhất là BLTTHS mới được ban hành. Bộ luật này yêu cầu rất cao về việc đảm bảo quyền con người, về việc minh bạch hóa. Nếu chúng ta thực hiện tốt những việc này thì tác dụng phòng ngừa oan, sai sẽ được tăng lên. Với tòa án các cấp, phải tôn trọng và nâng cao việc tranh tụng trước tòa, coi đây là một trong những giải pháp chủ yếu chống oan sai, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận vụ án sớm của những người bào chữa. Đối với những vụ án có dấu hiệu oan sai, chúng tôi sẽ kiểm tra và có kết luận sớm. Đặc biệt, trong thời hạn một năm, đến khoảng tháng 7-2017 sẽ nỗ lực giải quyết dứt điểm các đơn xin giám đốc thẩm mặc dù số lượng đơn bây giờ là rất lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo việc xét xử tại các phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự của pháp luật, tôn trọng quyền tranh tụng, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, người bào chữa; chấn chỉnh tác phong, cung cách của các cán bộ trong hệ thống tòa án. Tất cả điều này đều đặt trọng tâm chống oan, sai lên hàng đầu và đảm bảo pháp luật được tuân thủ một cách chặt chẽ, áp dụng một cách nghiêm minh. CHÂN LUẬN ghi “Đừng có rút kinh nghiệm chung chung như thế” Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mấy năm rồi chậm mấy lần, tăng hơn 300 triệu đôla, ai chịu trách nhiệm? Nhà ký túc xá không có sinh viên ở, bảo tàng, thư viện không có người vào, chợ không có người họp, nhà văn hóa không có người đến, trường nghề không có người học... Đừng có chỉ nói rút kinh nghiệm chung chung như thế. Đại biểu QH NGÔ VĂN MINH (Quảng Nam) |