Chủ tịch huyện đòi dân uống bia Sài Gòn, có gì sai?

Những ngày qua, nhiều người dân, chủ nhà hàng, khách sạn, quán karaoke hết sức bất ngờ trước việc ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ra công văn yêu cầu “đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại huyện Kỳ Anh”.

Cán bộ, nhân viên phải uống...

Cụ thể, ngày 25-8, Cổng thông tin điện tử huyện Kỳ Anh (kyanh.gov.vn) đã đăng tải công văn chỉ đạo trên với yêu cầu các đơn vị triển khai “thực hiện nghiêm túc”.

Theo đó, chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim… và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Nhà hàng, khách sạn phải mời...

Đồng thời yêu cầu chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, ăn uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm Bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Export…, nước khoáng Sơn Kim tại cơ sở kinh doanh.

Công văn đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện Kỳ Anh (kyanh.gov.vn). Tuy nhiên, nội dung này đã được gỡ xuống vào tối 27-8. Ảnh: ĐL

Công văn này cho hay việc này là để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt là ưu tiên sử dụng các sản phẩm Bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim được tiêu thụ trên địa bàn huyện Kỳ Anh. Điều này nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng”.

Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn ở Kỳ Anh cho biết họ rất bức xúc trước công văn mang tính áp đặt như trên.

Tiếp thu "người Việt dùng hàng Việt"!

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh, cho biết: Công văn trên xuất phát tiếp thu văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh về cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Ý tỉnh là tuyên truyền vận động để khuyến khích sử dụng sản phẩm trong tỉnh, trong nước sản xuất được mà có chất lượng tốt mang lại nguồn thu ngân sách và tạo động lực cho nhà máy sản xuất có hiệu quả. Tỉnh không buộc phải ra công văn yêu cầu sử dụng bia Sài Gòn và nước khoáng Sơn Kim. Chúng tôi sẽ yêu cầu UBND huyện tiếp thu ý kiến và sửa chữa”.

Ngày 27-8, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Bổng qua điện thoại cơ quan và điện thoại di động nhưng ông Bổng không bắt máy.

Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết việc chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ban hành văn bản với nội dung như trên có dấu hiệu vi phạm Điều 6 Luật Quản lý cạnh tranh quy định các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Vị này cũng cho biết Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương và sẽ có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, xử lý.

ĐẮC LAM - TRÀ PHƯƠNG

Có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Cạnh tranh

+ Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM: Việc chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ban hành công văn yêu cầu như báo chí nêu… là có dấu hiệu lạm quyền và vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Cụ thể: Điều 6 Luật Cạnh tranh quy định rõ cấm cơ quan quản lý nhà nước thực hiện những hành vi buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

. Việc chính quyền khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm hàng Việt là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, UBND huyện lại chỉ định tên một loại sản phẩm ưu tiên sử dụng sẽ khiến các doanh nghiệp cạnh tranh không công bằng trên thị trường ở địa bàn?

+ Tôi cho rằng mục đích “để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được nêu trong công văn là không phù hợp. Tôi ủng hộ chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng hàng Việt Nam trên thị trường không chỉ riêng bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim mà còn có các sản phẩm khác như bia Hà Nội, Huda,… Rõ ràng nội dung công văn có tính phân biệt đối xử, đi ngược lại với quy luật cung cầu thị trường. Cạnh tranh trên thị trường là việc của doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền không được làm thay.

. Vậy các doanh nghiệp khác có cùng sản phẩm được bán trên địa bàn có quyền kiện vì không được cạnh tranh công bằng hay không, thưa ông?

+ Trong trường hợp này, đây chỉ là công văn chỉ đạo, không phải là quyết định hành chính nên trường hợp người dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân không đồng ý thì có quyền kiến nghị tới chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh để yêu cầu sửa đổi hoặc hủy bỏ nội dung công văn nêu trên. Đồng thời, người dân cũng có quyền không thực hiện theo nội dung công văn nêu trên bởi công văn này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, cũng không phải là quyết định hành chính.

. Nếu xác định trường hợp này vi phạm Luật Cạnh tranh thì sẽ xử lý, xử phạt ra sao?

+ Hiện nay pháp luật không có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên của cơ quan quản lý nhà nước. Trong trường hợp trên thì cần phải xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức vì có hành vi sai phạm trong hoạt động quản lý nhà nước. Do vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần xử lý trách nhiệm cán bộ trong việc này.

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm