Đêm nay có thể tiếp cận hiện trường nghi máy bay rơi

Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu đánh giá vệt nghi dầu loang kéo dài tới 15-20 km vì vậy khả năng cao là có liên quan tới chiếc máy bay mất tích.

"Cần vài tiếng để lực lượng tìm kiếm cứu hộ Việt Nam tiếp cận được nơi có vệt nghi dầu loang", ông nói thêm.

Các lực lượng hải quân, không quân Việt Nam vẫn tích cực trực chiến. Lúc 18h50, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng lãnh đạo Cục Hàng không và các đơn vị chức năng vẫn túc trực tại trụ sở Cục để tham gia điều phối hoạt động tìm kiếm.

Tuy nhiên, ông Phạm Quý Tiêu cho biết thêm, trời tối hệ thống máy bay không thể tiếp tục hoạt động và phải quay về. Công tác tìm kiếm lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào đội tàu của Hải quân Việt Nam cùng Malaysia và Phillipines.

Thời gian tiếp cận khu vực dầu loang vì thế có thể kéo dài 3-4 tiếng, khoảng 22-23h đội tìm kiếm mới có thể tới nơi.

Vết có màu sẫm bị nghi là vết dầu loang - Ảnh do thành viên trong đoàn tìm kiếm cung cấp /TNO

Trao đổi với Pháp luật TP. HCM, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát – Chính ủy Hải quân vùng 5 đóng tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) – cho biết đơn vị đã nhận lệnh triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn vụ máy bay Malaysia mất tích. Lúc 15h35, 2 tàu của Hải quân vùng 5 đã xuất phát từ Phú Quốc chạy về hướng máy bay Malaysia mất tích ở vùng biển có thể là khu vực tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia, cách đảo Thổ Chu của huyện Phú Quốc khoảng 153 hải lý về phía Tây Nam. Theo ông Phát, có thể đến 15 giờ sau 2 tàu cứu hộ của đơn vị mới có thể đến vị trí máy bay được cho là bị nạn.

“Chúng tôi vẫn còn nhiều tàu cứu hộ đang chờ lệnh từ cấp trên. Cứ sau 15 phút nhận lệnh là tàu sẽ xuất phát và đến giờ vẫn chưa có thông tin gì mới liên quan đến máy bay Malaysia mất tích”, (ông Phát nói lúc 17h30.ngày 8-3)

Cũng trong chiều nay, 2 chiếc trực thăng Mi 171 của Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam xuất phát tại sân bay Cần Thơ, bay về hướng Cà Mau để tiếp cận khu vực máy bay mất tích. Gần 16h, 2 máy bay này tạm thời đáp xuống sân bay Cà Mau, tiếp tục chờ lệnh từ cấp trên.

Ông Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, cho biết đã lệnh cho các đồn biên phòng ven biển phối hợp với ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển của tỉnh này để tìm kiếm cứu nạn. Khi phát hiện thông tin gì mới nhất liên quan đến máy bay Malaysia mất tích phải báo về ngay cho Bộ đội biên phòng tỉnh.

Theo ông Phong, thông tin người dân cho rằng nhìn thấy máy bay rớt xuống vùng biển gần đảo Hòn Chuối của tỉnh Cà Mau và chính quyền nơi đây đang cứu hộ là không có cơ sở.

 17h15, cũng theo Dân Trí, do trời tối, nên dự kiến khoảng 18h, hai máy bay tìm kiếm của Việt Nam sẽ bay về đất liền. Dự kiến Việt Nam sẽ điều 3 tàu ra tìm kiếm, gồm một tàu Hải quân xuất phát từ Cánh Dương, một tàu Cảnh sát biển từ Phú Quốc, một tàu của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam khu vực 3 từ Phú Quốc.

Theo Dân Trí, 17h5 máy bay Việt Nam đã phát hiện cột khói tại tọa độ 070725,1032320, nhưng chưa xác định của tàu thủy hay của vật gì. Phía Việt Nam đã báo cho phía Malaysia để điều trực thăng đến xác định cụ thể.

Theo VNE, khoảng 16h30, một chiếc máy bay kháo sát của Việt Nam báo về trung tâm chỉ huy về việc phát hiện một vệt như là dầu loang trên biển. Vệt này dài 20km, nằm ở toạ độ 0755N - 1031852E, trong vùng FIR của Việt Nam. Tàu bay chưa khẳng định đây là dầu loang vì chưa thể tiếp cận gần hiện trường đã phải quay về tiếp nhiên liệu.

Lúc 14 giờ 45, Cục hàng không Việt Nam cho biết 1 máy bay AN26 của quân chủng phòng không không quân đã cất cánh tham gia tìm kiếm máy bay rơi lúc 14g30. Hai máy bay AN26 và một trực thăng chuẩn bị sẵn sàng tại sân bay Tân Sơn Nhất lên đường làm nhiệm vụ.

Cụ thể, Cục hàng không Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng của Quân chủng Phòng không Không quân, Quân chủng Hải quân và Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữa vùng FIR Hồ Chí Minh và FIR Kuala Lumpur (Malaysia), nơi tàu bay mất liên lạc và kiểm soát ra đa.

Một máy bay AN26 của Quân chủng Phòng không Không quân đã cất cánh tham gia tìm kiếm lúc 14h30. Tàu Hải quân và tàu tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải đang tiếp cận khu vực tìm kiếm. Bên cạnh đó, hai máy bay AN26 và một trực thăng MI171 chuẩn bị sẵn sàng tại Sân bay Tân Sơn Nhất lên đường làm nhiệm vụ.

Máy bay AN26 được huy động tham gia tìm kiếm máy bay rơi. (Ảnh minh họa, nguồn Kienthuc.net)
 

Ngoài ra, đã triển khai thông báo cho tất cả các tàu, thuyền hoạt động trong khu vực này cung cấp thông tin và tham gia ứng cứu cho tàu bay lâm nạn. 

Lúc 14 giờ chiều 8-3, trao đổi với PLO, Chuẩn đô đốc, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân Doãn Văn Sở cho biết thông tin chính xác chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bị rơi trên vùng biển phía Nam, cách 223 km về phía Tây Nam của mũi Cà Mau (chứ không phải như thông tin ban đầu là rơi xuống vùng biển phân giới cách đảo Thổ Chu khoảng 300 km - PV). Vùng biển máy bay rơi được xác định thuộc hải phận quản lý của Malaysia. Hiện vùng 5 hải quân đã nhận được lệnh của cấp trên sẵn sàng chuẩn bị các lực lượng để phối hợp ứng cứu.

13 giờ 47, chỉ huy trưởng đảo Thổ Chu, Thượng tá Dương Đức Mười cho biết hơn một giờ trước đơn vị đã nhận được thông tin về vụ máy bay rơi từ Vùng 5 hải quân yêu cầu cắt cử lực lượng để tham gia tìm kiếm, ứng cứu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua quan sát của hệ thống rada thông tin trên đảo Thổ Chu, vẫn chưa phát hiện bất cứ một dấu vết nào của vụ tai nạn. Hiện đơn vị vẫn tiếp tục rà soát kỹ để nếu phát hiện dấu vết hay xác định được vị trí vụ tai nạn sẽ điều tàu của hải quân ra cứu hộ ngay lập tức.  

Trưa 8-3, trả lời PV báo Pháp Luật TP.HCM Online,  ông Nguyễn Thanh Luận, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau (địa bàn gần máy bay Malaysia bị rơi) cho biết: "Dù chưa nhận được chỉ đạo nhưng đã chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng hữu trợ cứu hộ máy bay Malaysia rơi sáng nay. Lực lượng biên phòng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tư thế lực lượng, phương tiện chờ lệnh. Ngư dân đánh cá cũng đã được kêu gọi chhú ý quan sát, khi có phát hiện báo ngay cho biên phòng các cửa biển gần nhất".

 

 Hành trình dự kiến của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines. Đồ họa: Đồng Nguyên Anh (VNE)

Trên máy bay có 227 hành khách đến từ 13 quốc gia, cùng 12 thành viên phi hành đoàn. 158 công dân Trung Quốc (trong đó có 1 trẻ em), 12 người Indonesia, 38 người Malaysia, 7 người Úc, 3 người Pháp, 3 người Mỹ và một trẻ em, 2 New Zealand, 2 Ukraine và các hành khách mang quốc tịch Nga, Ý, Đài Loan, Hà Lan và Áo. 

Theo thông tin mới nhất chiếc máy bay của Hãng Hàng không Malaysia Airlines đã bị rơi tại vùng biển tiếp giáp giữa VN và Malaysia, cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 153 hải lý (khoảng 300km).

Vài giờ sau thời điểm chiếc máy bay này phải đáp xuống Bắc Kinh, hãng Malaysia Airlines tổ chức cuộc họp báo ngắn. Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành Ahmad Jauhari Yahya của hãng Malaysia Airlines tại cuộc họp báo rằng chiếc Boeing 777-200ER mất liên lạc với kiểm soát không lưu khi đang ở trên vùng biển Đông cách TP Kota Bharu (bang Kelantan, Malaysia) khoảng 120 hải lý.

Hãng Malaysia Airlines vẫn lạc quan nói rằng vẫn còn quá sớm để nói chắc chiếc máy bay có bị rơi xuống biển Đông hay không. Hãng này cho biết đã không nhận được tín hiệu báo nguy nào từ chiếc máy bay này. Malaysia Airlines thậm chí còn đoán chiếc máy bay có thể đã đáp xuống huyện Nam Minh (tỉnh Quế Châu, nam Trung Quốc).

Malaysia Airlines không trả lời câu hỏi nào tại cuộc họp báo, chỉ cho biết đang tích cực điều tra. Dù có sự trấn an của hãng Malaysia Airlines nhưng người thân, bạn bè hành khách đi trên chiếc Boeing 777-200ER chờ đợi đón người thân ở Bắc Kinh vẫn rất bấn loạn.

Ông Ahmad Jauhari Yahya cho biết hiện Malaysia đang phối hợp với phía Việt Nam tìm kiếm và cứu hộ. Trung Quốc cũng triển khai hai tàu cứu hộ hàng hải ra biển Đông để tìm kiếm.

Sáng 8-3, Tuổi trẻ dẩn lời chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, chính ủy Hải Quân vùng 5, đã xác định vị trí máy bay của Hãng hàng không Malaysia bị rơi tại vùng biển tiếp giáp giữa VN và Malaysia, cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 153 hải lý (khoảng 300km).

Người thân nạn nhân khóc khi biết máy bay đã mất tích - Ảnh: The Star

Ngay sau khi nhận thông tin trên, hiện Bộ chỉ huy Hải Quân vùng 5 đã chuẩn bị lực lượng, các phương tiện cứu hộ, sẵn sàng chờ lệnh rời căn cứ Hải quân vùng tại đảo Phú Quốc để cứu hộ.

“Do tại đảo Thổ Chu có lực lượng Hải Quân đóng nhưng hiện không có tàu nào của lực lượng Hải Quân vùng 5 đang làm nhiệm vụ ở vùng biển này nên phải điều tàu từ căn cứ Phú Quốc”, ông Phát nói.

Báo Điện tử Chính phủ dẫn lời Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: Chiếc máy bay dân dụng Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh lúc 16 giờ 42 phút (giờ GMT) ngày 7/3, dự kiến chuyển giao cho FIR Hồ Chí Minh lúc 17 giờ 22 phút (giờ GMT) cùng ngày.
 
Khi máy bay mất tín hiệu kiểm soát thì chưa được chuyển giao.
 
Trước khi vào vùng kiểm soát không lưu của Việt Nam khoảng 1 phút thì mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu radar. Hiện chưa xác định chính xác được vị trí máy bay.
 
Khu vực máy bay mất tín hiệu lần cuối cùng lúc chuẩn bị chuyển giao là không phận gần tỉnh Cà Mau. Trong khi đó, tổ bay vẫn chưa có bất cứ liên lạc gì với FIR Hồ Chí Minh.

Báo Vietnam+ cũng đã phỏng vấn ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, máy bay đã mất liên lạc vào thời điểm chuyển giao giữa vùng thông báo bay (FIR) Malaysia và FIR Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Thanh, dự kiến việc kiểm soát tín hiệu chuyển giao cho FIR TP.HCM lúc rạng sáng nay nhưng tàu bay chưa liên lạc với FIR của TP.HCM. Trước khi vào vùng kiểm soát của Trung tâm quản lý bay đường dài (ACC) Thành phố Hồ Chí Minh, máy bay đã mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu radar. 

“Từ thời điểm cơ quan không lưu phía bạn thông báo chuyển giao cho Việt Nam, Trung tâm quản lý bay đường dài Thành phố Hồ Chí Minh đã không nhận được thông tin về chuyến bay. ACC TP. Hồ Chí Minh cũng chưa nhận quyền kiểm soát đã thông báo ngay cho phía bạn về tình trạng này,” ông Thanh nói.

Người phát ngôn của một công ty Thái Lan chịu trách nhiệm giám sát không phận của nước này cũng nói với AFP rằng chiếc máy bay không bay qua không phận Thái Lan.
 
Tân Hoa Xã dẫn lời nhà chức trách hàng không nói chiếc máy bay không hề đi vào không phận của Trung Quốc./.

Đêm nay có thể tiếp cận hiện trường nghi máy bay rơi ảnh 5
 
Một phụ nữ được cho là người nhà của hành khách trên chuyến bay MH370, hãng Malaysia Airlines, bật khóc tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters, VNE

Thông báo của Malaysia Airlines cho biết chiếc máy bay mang số hiệu Boeing B777-200 mang số hiệu MH370 đã mất liên lạc với Trạm kiểm soát không lưu Subang, đồng thời ngừng phát tín hiệu vào lúc 1g20 phút sáng 8-3 giờ địa phương (tức 18g40 ngày 7-3 giờ GMT) sau khi cất cánh khoảng 2g.

Thành Văn-Gia Tuệ-Trần Vũ -PV  tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm