Ngày 14-5, VOV online cho biết theo Reuters, căng thẳng trên biển Đông đã leo thang vào tuần trước sau khi Trung Quốc cố ý đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của Việt Nam nhằm hạ đặt giàn khoan trái phép tại đây.
Liên tiếp trong các ngày sau đó, Trung Quốc đã sử dụng các tàu của mình đâm và tấn công bằng vòi rồng vào các tàu của Việt Nam.
“Ông Kerry đã thúc giục cả Việt Nam và Trung Quốc có những biện pháp giảm nhiệt căng thẳng và đảm bảo tàu hai nước sẽ thực hiện những hành động an toàn. Việt Nam và Trung Quốc cần giải quyết các tranh chấp thông qua con đường hòa bình theo luật pháp quốc tế”, bà Psaki nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ngang nhiên đáp lại rằng rõ ràng là đã có những hành động khiêu khích trên biển Đông nhưng Trung Quốc không phải là bên gây hấn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn đổ lỗi rằng Mỹ đã khuyến khích những hành vi trên.
“Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ cần xem xét việc này một cách thận trọng nếu Mỹ thực sự hy vọng hòa bình trên Thái Bình Dương. Mỹ muốn đóng vai trò như thế nào tại đây?”, người phát ngôn Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố tại một cuộc họp báo.
Bà Hoa Xuân Doanh cũng cảnh báo ông Kerry cần phải “xem xét một cách khách quan và công bằng” tình hình trên biển Đông và “nói và hành động thận trọng”.
Trung Quốc nói rằng các tranh chấp trên biển Đông cần phải giải quyết thông qua con đường đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan và ngang nhiên nói rằng hành động can thiệp của Mỹ là không thể chấp nhận được.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam đang đến thăm Mỹ ngày 12/5, ông Kerry nói rằng Mỹ rất quan ngại về hành động “hiếu chiến của Trung Quốc”.
“Mỹ và tất cả các nước quan tâm đến tự do hàng hải trong khu vực biển Đông và biển Hoa Đông đều rất lo ngại trước hành vi hiếu chiến này của Trung Quốc”, ông Kerry khẳng định.
“Mỹ muốn Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) sớm được thông qua. Chúng tôi muốn rằng tranh chấp trên biển Đông có thể giải quyết một cách hòa bình theo đúng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), thông qua trọng tài quốc tế hoặc bất kỳ một biện pháp nào khác nhưng không phải thông qua những hành động đối đầu và hiếu chiến”, Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn một đoạn bình luận của Ngoại trưởng John Kerry.
Trong khi đó, TTXVN trong bản tin phát lúc 12g37 ngày 14-5 cho hay ngày 14-5, Bộ Ngoại giao Australia đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực.
Australia hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 24 về tình hình hiện nay ở Biển Đông, được đưa ra ngày 11/5. Australia khẳng định nước này có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải.
Australia kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động khiêu khích có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang đồng thời thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng.
Nước này cũng kêu gọi các chính phủ giải thích rõ và thực hiện các tuyên bố lãnh thổ, cùng với các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Australia khuyến khích Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN sớm đạt được tiến bộ về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng và hành động kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan."
Phát biểu trên được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ lo ngại về một loạt vụ đụng độ giữa các tàu của Trung Quốc và Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông./.