Sáng nay, 7-1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết năm 2020, dịch bệnh COVID-19, diễn biến thiên tai cực đoan xảy ra trên nhiều vùng miền của cả nước, tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp đã tạo ra thách thức rất lớn đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BCT
Mặc dù đứng trước hoàn cảnh đặc biệt như vậy, nhưng kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới.
“Xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...
Cạnh đó hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời với những tác động của dịch COVID-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân...
Cùng với đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai Chính phủ điện tử được Bộ Công Thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu.
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của ngành Công Thương. Ảnh: BCT
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin: “Tới nay, đã có 880 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm, toàn bộ 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai trực tuyến ở mức độ 2 trở lên, trong đó có 220 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, 4 trực tiếp tại Cổng dịch vụ công của Bộ...”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhận xét ngành Công Thương đã có nhiều dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2020 và suốt nhiệm kỳ. Công nghiệp chế tạo, chế biến đang chiếm tỷ trọng cao, làm trụ dẫn dắt, góp phần tích cực cho nền kinh tế tiến dần đến hiện đại.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá chưa có nhiệm kỳ nào mà ký được nhiều hiệp định thương mại như nhiệm kỳ này, từ Hiệp định EVFTA, RCEP, đến UKVFTA. Chưa giai đoạn nào có tăng trưởng và cân bằng thương mại tốt như vậy, tỷ lệ tăng trưởng xuất siêu tốt với xuất siêu 19 tỷ USD, 5 năm liên tiếp đều có tỷ lệ xuất siêu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương về cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính phủ điện tử.
Trong thời gian đầu của 2018 là một mớ rừng thủ tục gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, khi đó Bộ Công Thương là bộ tiên phong, cùng với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT xây dựng nghị định 08 cắt giảm 95% thủ tục hành chính liên quan đến an toàn thực phẩm.
“Sau khi tháo gỡ, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu rất tốt. Ví dụ như sản xuất một cái kẹo sô cô la là 13 cái giấy phép nhưng đến thời điểm này không có giấy phép nào cả. Lúc đó Bộ Công Thương cũng là bộ tiên phong cho phép các doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn và tự công bố chịu trách nhiệm” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.