"Tôi bảo tội của tôi là buôn ma túy, cải tạo tốt thì cũng phải tầm năm năm nữa, có đợi nữa không. Cô ấy nắm tay tôi nói: "15 năm rồi em còn đợi được, năm năm nữa thì có gì đâu!"".
Ông là NSH, quê ở Nghệ An. Đã 15 năm nay ông đón Tết trong trại giam vì tội mua bán trái phép chất ma túy.
Một lần sa chân
Ông NSH trò chuyện cùng phóng viên. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Chẳng nghiện ngập cũng đã từng thề sẽ không bao giờ động tới cái chết trắng nhưng chính máu đỏ đen nhất thời đã khiến ông rơi vào con đường tội lỗi.
“Năm 1998 tôi chơi cá độ đá banh cho vui, ban đầu chỉ bắt 1-2 triệu ở chảo đá banh 196 Trần Bình Trọng. Có thắng có thua nhưng thua nhiều hơn thắng, thua lại muốn gỡ, cho đến khi số tiền nợ lên tới 200 triệu, mỗi ngày phải gánh cả chục triệu tiền lời. Mà nợ xã hội đen thì cô biết rồi đấy…” - ông trầm ngâm nhớ lại. Nguồn cơn tội lỗi bắt đầu từ đây!
Trót vay nặng lãi lại không muốn làm phiền lòng vợ con, ông quyết định làm liều: Chung tay cùng Chu Đức Hải, kẻ cầm đầu đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia chấn động cả nước thời điểm đó, để mở đường tiêu thụ ma túy từ Nghệ An vào TP.HCM.
“Chỉ một lần duy nhất, ngay khi lấy đủ số tiền trả nợ, tôi quyết định rút lui. Những tưởng đã qua mắt được pháp luật và có thể an yên sống cùng vợ con, ai dè…” - ông lắc đầu cười chua chát. Đường dây ma túy bị triệt phá, những kẻ cầm đầu lần lượt bị bắt. May mắn ông được giảm từ tử hình xuống chung thân. HĐXX nhận định đây là vụ án mua bán ma túy lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM: 22 bị cáo, bốn tử hình, tám chung thân…
Sờ lên mái đầu tóc đã bạc trắng như cước, ông bảo ngày mới vào tóc ông còn xanh lắm. Những người đứng trước vành móng ngựa cùng ông năm xưa, có người đã trở về với gia đình, có người chuyển trại, cũng có người mộ đã xanh cỏ.
Ngày ông vào tù, đứa con trai duy nhất của hai vợ chồng mới 16 tuổi. 15 năm qua, cứ sáng 30 Tết, người phụ nữ ấy lại xuống thăm ông mang theo bánh kẹo và nấu những món ăn ông thích.
“15 năm em còn đợi anh được!”
“Ở trại giam kể chuyện được ăn thịt bò, nhiều người không tin nhưng thật. Đồ ăn ngày Tết nhiều lắm, ăn 3-4 ngày, đồ ngon. Nhưng vợ nấu vẫn là ngon nhất. Hôm cận Tết, nghe tin có đợt đặc xá ở trại giam, cô ấy lại hỏi: "Bao giờ anh được về?''. Tôi bảo tội của tôi là buôn ma túy, cải tạo tốt thì cũng phải tầm năm năm nữa, có đợi nữa không. Cô ấy cười bảo: "15 năm rồi em còn đợi được, năm năm nữa thì có gì đâu…!” - ông nhớ lại, nụ cười rạng rỡ thực sự trên gương mặt người đàn ông đã bước qua tuổi xế chiều.
Đứa con ngày nào của hai người đã lập gia đình. Cái ngày ông bà sui lên thăm, ông còn nhớ lắm.
“Sao con để người ta biết ba đang đi tù?", "Người ta thấy ba vậy, người ta có ghét con không?”. Bao nhiêu câu hỏi cứ xoay vòng, ông sợ tội của ông làm con trai ông khổ.
Con trai ông lúc đó nắm tay cha thật chặt, bảo: “Ba có thế nào cũng là ba của con” - giọng ông nghèn nghẹn nhớ lại.
Mỗi lần cận Tết lên trại thăm ông, nó lại thủ thỉ với ông như hồi còn bé: “Ba ráng cải tạo tốt rồi Tết về đưa cả nhà đi chơi Tết nha ba”.
Sau hơn 15 năm cải tạo tốt, ông đã ba lần được giảm án. Tính luôn những tháng ngày trong trại, còn khoảng năm năm nữa ông sẽ trả xong món nợ với pháp luật.
Nhưng còn món nợ ân tình với người cha vẫn thoi thóp đợi con về, với người vợ thủy chung, với đứa con trai duy nhất từ năm 16 tuổi đã thiếu vắng sự chăm sóc, ông biết sẽ chẳng bao giờ trả hết.
“Chẳng biết ngày tôi được trở về, ông cụ có còn đợi nổi nữa không. Ông yếu lắm rồi. Còn bà ấy, nếu thực sự có kiếp sau, tôi vẫn muốn tiếp tục làm chồng vợ để có cơ hội trả bà ấy món nợ ân tình kiếp này”.
Ông nói rồi nhìn ra ngoài cửa sổ.
Tết năm nay ông lại vắng nhà!