19-1: Hướng về Hoàng Sa, máu thịt của Tổ quốc

Ngày này 48 năm trước (19-1-1974), Trung Quốc (TQ) đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (VN). Hôm nay, 19-1-2022, báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, về quần đảo máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ tịch huyện Hoàng Sa nói: “Ngày này, cả nước hướng về Hoàng Sa như cuộc hành hương về lòng yêu nước và nỗi nhớ về một vùng lãnh thổ đang bị TQ chiếm đóng”.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa. 

“Ngày Hoàng Sa”

. Phóng viên: Nhiều năm làm giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, những ngày này cảm xúc của ông như thế nào?

+ Ông Võ Ngọc Đồng: Nhiệm vụ chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa là nhiệm vụ đặc biệt và rất đặc thù. 19-1 là ngày rất đặc biệt, dù không chính thức nhưng những năm qua đây được xem như là ngày Hoàng Sa.

Dịp 19-1 năm nay cũng là thời điểm kỷ niệm 25 năm TP Đà Nẵng được giao quản lý huyện đảo Hoàng Sa (1997-2022) và 40 năm thành lập huyện đảo Hoàng Sa (1982-2022). Những ngày này, UBND huyện Hoàng Sa luôn đón nhận nhiều tình cảm của đồng bào cả nước. UBND huyện Hoàng Sa đã phối hợp tổ chức thăm hỏi nhân chứng lịch sử Hoàng Sa đang sinh sống trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

. Những năm qua, UBND huyện Hoàng Sa nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung đã tiếp tục có những chương trình, hành động gì nổi bật trong việc tiếp tục đấu tranh không ngừng nghỉ cho chủ quyền Hoàng Sa thiêng liêng?

+ Ngay từ khi được giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng đã quan tâm đến vấn đề quản lý nhà nước đối với quần đảo. TP đã phân công cán bộ phụ trách, hình thành tổ chức bộ máy, xây dựng đề án “Tăng cường quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng”.

UBND huyện Hoàng Sa có nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân đối với quần đảo máu thịt của Tổ quốc, nhất là trong giới trẻ, học sinh - sinh viên. TP Đà Nẵng có nhiều hoạt động như sinh hoạt học thuật, sưu tầm, xây dựng bộ hồ sơ tư liệu và tổ chức các hội thảo để cung cấp những bằng chứng về pháp lý khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo này.

Trước thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với huyện Hoàng Sa có nhiều đặc thù, UBND huyện Hoàng Sa đã tham mưu và linh hoạt tổ chức thực hiện nhiệm vụ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Kết hợp việc làm rõ sự thật lịch sử liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo với các vấn đề thời sự đang diễn ra; vừa đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền vừa tăng cường các giải pháp thực thi quyền chủ quyền của cơ quan hành chính cấp địa phương. Hoạt động nổi bật trong thời gian gần đây là việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đây là nỗ lực và tâm huyết rất lớn của TP, nhận được sự ủng hộ của cả nước. Nhà trưng bày thực sự là địa chỉ đặc biệt đối với mỗi người khi tới Đà Nẵng.

Ông Lê Phú Nguyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, trò chuyện, thăm hỏi nhân chứng Hoàng Sa - ông Phan Ngọc Chung, chiều 18-1.
Ảnh: TÂM AN

Đòi công lý cho Hoàng Sa

. Gần bốn năm từ ngày Đà Nẵng khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa và sau đó là việc đưa con tàu ĐNa 90152 TS vào trưng bày cạnh đó, địa chỉ này đã đóng góp thế nào trong hành trình đòi công lý cho Hoàng Sa?

+ Con tàu ĐNa 90152 TS (bị tàu vỏ thép TQ đâm chìm ngày 26-5-2014, khi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương 981 do TQ hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN 17 hải lý) là một hiện vật rất đặc biệt. Đây là minh chứng tố cáo sự vi phạm của tàu TQ đối với tàu cá của ngư dân Việt ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN. Tháng 4-2019, vỏ tàu cá được đưa về trưng bày tại khuôn viên Nhà trưng bày Hoàng Sa giúp cho du khách được tiếp cận trực tiếp và được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác hơn.

Hình ảnh con tàu ĐNa 90152 TS xuất hiện gắn liền với Nhà trưng bày Hoàng Sa, gắn liền với chủ quyền biển đảo và xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí nước ngoài đã tác động to lớn trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo nói chung và Hoàng Sa nói riêng.

Nhà báo có đặt vấn đề về hành trình đòi công lý cho Hoàng Sa. Có thể nói đây là điều rất chính đáng, được đặt ra thường xuyên và đòi hỏi sự chung tay góp sức của mỗi người dân VN. Thời gian tới, UBND huyện Hoàng Sa mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp, đồng hành của các tổ chức, cá nhân cùng đoàn kết, đồng lòng, chung tay vì chủ quyền biển đảo, vì Hoàng Sa thân yêu.

. Xin cám ơn ông.

“Tiếp tục đấu tranh để một ngày nào đó đưa Hoàng Sa về với Tổ quốc”

Hôm nay (19-1), đoàn UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) đã đến thăm, viếng các nhân chứng Hoàng Sa ở Quảng Nam và Đà Nẵng, những người đã từng sống và làm việc tại Hoàng Sa. Tại đây, đoàn đã tặng quà, động viên, thăm hỏi sức khỏe các nhân chứng còn sống; thăm hỏi gia đình, thắp hương viếng những người đã mất.

Từng hai lần ra Hoàng Sa, ông Lê Lan cho hay mỗi năm cứ đến ngày 19-1 là lòng ông đau đáu không yên. “Hoàng Sa là tuổi trẻ, là mồ hôi, nước mắt và máu của chúng tôi. Tôi chỉ mong thế hệ trẻ hôm nay không bao giờ được quên Hoàng Sa, không bao giờ được quên một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn đang bị TQ chiếm đóng trái phép” - ông Lan nhắn nhủ.

Sau khi thăm hỏi các nhân chứng Hoàng Sa, ông Lê Phú Nguyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, chia sẻ: “Các nhân chứng nói với chúng tôi rằng bằng cách nào đó, hãy mang tất cả những công sức, kỷ niệm, tư liệu của họ về Hoàng Sa đến với tất cả người dân VN và thế giới được biết. Từ đó nhắc nhở thế hệ sau không được quên Hoàng Sa, phải luôn khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo và tiếp tục đấu tranh để một ngày nào đó đưa Hoàng Sa về với Tổ quốc”. TÂM AN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm