Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim đều đã có mặt tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần hai trong hai ngày 27 và 28-2.
Tuyên bố chung mà hai nhà lãnh đạo thống nhất tại kỳ thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6-2018 khá mơ hồ, và tiến trình đàm phán tám tháng sau đó không có nhiều tiến triển.
Kỳ thượng đỉnh lần này, Tổng thống Trump và phía Mỹ hy vọng sẽ làm rõ hơn các nội dung ông Kim Jong-un đã hứa trong thượng đỉnh trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp sáng nay. Ảnh: CNN
Vậy những nội dung gì sẽ được chú ý trong thượng đỉnh lần này? Theo báo The Indian Express (Ấn Độ), có 3 vấn đề chính:
Giải trừ hạt nhân
Vấn đề lớn nhất vẫn là thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trước khi diễn ra thượng đỉnh ở Singapore, Triều Tiên ngưng mọi hoạt động thử hạt nhân-tên lửa. Sau thượng đỉnh ở Singapore, Triều Tiên cho phá hủy một bãi thử hạt nhân và một số khu vực của một bãi thử tên lửa
Tuy nhiên, không có sự giám sát của các chuyên gia quốc tế và các chuyên gia nghi ngờ Triều Tiên hoàn toàn có thể khôi phục các hạng mục đã phá hủy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp sáng nay. Ảnh: CNN
Trước khi sang Hà Nội, ông Trump đã viết trên Twitter rằng nếu không có vũ khí hạt nhân, Triều Tiên “có thể trở thành một trong những sức mạnh kinh tế so với bất cứ đâu trên thế giới”.
Nhiều quan chức Mỹ nói họ hy vọng sẽ có được sự thông hiểu lẫn nhau với Triều Tiên về ý nghĩa của từ giải trừ hạt nhân tại kỳ thượng đỉnh này. Mỹ cũng muốn có được một lộ trình giải trừ hạt nhân sau thượng đỉnh này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến sân bay Nội Bài tối 26-2. Ảnh: AP
Việc phong tỏa các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa của Triều Tiên nhiều khả năng cũng nằm trong nội dung được bàn đến.
Chấm dứt chiến tranh Triều Tiên
Ông Stephen Biegun, Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên, đầu tháng này cho biết ông Trump “sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến”, dẫn tới đồn đoán rằng tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh sắp đạt được.
Ngày 26-2, các quan chức Hàn Quốc cũng nói Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim có thể sẽ thống nhất một tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh Triều Tiên khi họ gặp nhau tại Hà Nội.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) được tặng hoa khi đến ga Đồng Đăng sáng qua. Ảnh: AP
Hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến đang tạm ngưng nhờ một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình.
Mỹ hiện có khoảng 28.500 quân ở Hàn Quốc phòng ngừa chiến tranh quay trở lại. Triều Tiên có thể muốn đưa điều khoản Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc vào thỏa thuận, nhưng điều này nhiều khả năng sẽ không xảy ra, theo The Indian Express.
Dỡ bỏ trừng phạt và phát triển quan hệ song phương
Ông Kim từng nói hồi tháng 1 rằng Triều Tiên “sẵn sàng mở cửa lại khu phức hợp công nghiệp chung Kaesong và khu du lịch núi Kim Cương không cần điều kiện và đổi chác gì”. Tuy nhiên các dự án kinh tế liên Triều nếu muốn được nối lại cần phải được Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, song hiện chưa có dấu hiệu gì cho thấy Mỹ sẽ làm điều này trong tương lai gần.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rời Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội chiều tối 26-2. Ảnh: AP
Từ sau thượng đỉnh Singapore, ông Kim đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm và trao trả hài cốt lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên cho Mỹ.
Theo The Indian Express, nếu Triều Tiên có các bước đi giải trừ hạt nhân vững chắc, ông Trump có thể sẽ đồng ý phát triển quan hệ ngoại giao hai nước. Ý này có cơ sở khi vài ngày trước có thông tin hai nước đang cân nhắc mở văn phòng liên lạc ở Washington và Bình Nhưỡng.