3 yếu tố xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam

(PLO)- Thủ tướng cho rằng để xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam cần dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam (VN) nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, TP trên cả nước.

Liên kết đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc

Theo Bộ VH-TT&DL, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và thời cơ đan xen, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng, sự phối hợp của các bộ, ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục.

Công tác xây dựng văn bản, quản lý nhà nước về du lịch được chú trọng; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; chuyển đổi số trong du lịch được thúc đẩy. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, tỉ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của ngành.

thuong-hieu-du-lịch.jpg
Theo Sở VH-TT&DL, tỉ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của ngành. Ảnh: THU TRINH

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho rằng tuy khách tăng nhanh, trong đó có khách nội địa nhưng tốc độ đã suy giảm. Ông đề nghị điều chỉnh thời hạn triển khai một số chính sách, cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là việc huy động nguồn lực.

“Các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực quá yếu. Tôi đề nghị cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía Nhà nước và cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch” - ông Bình cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, kiến nghị triển khai nhanh Quy hoạch du lịch VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, các địa phương, doanh nghiệp chủ động triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển sản phẩm và đầu tư du lịch.

“Là trung tâm du lịch lớn của phía Nam, TP.HCM sẽ chủ động, sáng tạo hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của ngành du lịch. Tuy nhiên, TP.HCM rất mong các địa phương, các bộ, ngành có liên quan phối hợp đồng bộ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong phát triển du lịch” - ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: 10 tháng năm 2023, ngành du lịch phục vụ 99 triệu khách nội địa, 10 triệu khách quốc tế, vượt kế hoạch năm 2023 là 8 triệu khách. Ngành đang nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu mới là đón 13 triệu khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 ngàn tỉ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Phải có cách tiếp cận toàn diện

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Du lịch chưa đạt kỳ vọng mặc dù nỗ lực rất nhiều, đã “thông” một vài điểm nhưng chưa thông suốt.

Trong đánh giá toàn bộ cấu trúc của du lịch như một ngành tổng hợp mang tính hệ thống, tính quốc gia, tính quốc tế, chúng ta phải xem “thông” như thế đủ chưa và thông suốt không? Ông cũng đề nghị định hình lại toàn bộ cấu trúc phát triển thì ngành du lịch mới có cơ hội trỗi dậy. “Tôi nghĩ rằng cơ hội hiện nay vẫn đang mở ra rất lớn. Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhất là làm hạ tầng, đầu tư công, tạo các điều kiện thuận lợi, mở cửa hội nhập. Cần làm sao mở ra tiếp để cho ngành du lịch chớp thời cơ” - ông Thiên nhận định.

Nhận định du lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải có cách tiếp cận tương đối toàn diện, toàn cầu, toàn dân. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân” - Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch. Để từ đó phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Thủ tướng cho rằng xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc VN cần dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Do đó cần sự liên kết chặt chẽ, phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các chủ thể liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và tư nhân, giữa các bộ, ngành, địa phương.

“Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người VN. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần…” - Thủ tướng nhấn mạnh.•

Đề xuất hỗ trợ hoạt động mở đường bay mới

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT VietJet, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực; hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.

“Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống VN và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch VN ở tầm quốc gia” - bà Thảo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm