Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức, thu hút 220 đại biểu, học giả trong và ngoài nước tham dự.
Các đại biểu trao đổi trước phiên khai mạc hội thảo. Ảnh: T.AN
Phát biểu tại phiên khai mạc, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, đánh giá sau 10 năm tổ chức, hội thảo đã xây dựng được khung chương trình nghị sự ổn định, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về biển Đông, góp phần nâng cao nhận thức của giới hoạch định chính sách và công chúng về vùng biển này.
PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng cho rằng vấn đề biển Đông tiếp tục là vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế ở khu vực và trên thế giới. Khi càng hiểu thì chúng ta càng có lợi về mặt học thuật, dù vẫn còn nhiều điều trăn trở.
“Những nỗ lực của khu vực và quốc tế để giảm căng thẳng, hướng tới giải pháp hòa bình đảm bảo an ninh, phát triển, hợp tác ở biển Đông vẫn chưa được như mong muốn. Gốc rễ tranh chấp tại biển Đông được bàn đến nhưng chưa được xử lý về mặt chính sách và trên thực tiễn. Nguyên trạng tiếp tục thay đổi theo hướng làm xói mòn trật tự quốc tế, xói mòn lòng tin giữa các nước liên quan…” - ông cho hay.
PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: T.AN
Từ đó, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần thẳng thắn, khách quan, khoa học, cầu thị, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Theo thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Tòa án Luật Biển quốc tế - ITLOS, trong 10 năm qua, chuỗi hội thảo quốc tế về biển Đông đã trở thành một diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở vùng biển này.
Tại hội thảo lần này, tình hình biển Đông, động thái của các nước trong 10 năm qua sẽ được các đại biểu thảo luận, đánh giá toàn diện. Ảnh: T.AN
Ông cho rằng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực biển Đông cần dựa trên bốn thành tố là ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát. Đồng thời khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước khi bắt đầu các phiên thảo luận.
Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu lần lượt tham gia tám phiên thảo luận gồm Biển Đông: Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á-Thái Bình Dương; Biển Đông tiêu điểm: 10 năm nhìn lại; Lập trường và yêu sách của các bên: Tiếp nối và điều chỉnh; Các nước lớn: Can dự hay không can dự? Xây dựng lực lượng trên biển Đông; Xây dựng lòng tin, Ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên biển Đông; Trật tự và bất ổn trên biển Đông: Suy ngẫm về quá khứ và định hình tương lai.
Hội thảo sẽ diễn ra đến ngày 9-11.