Gói viện trợ không hoàn lại này trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới đảm bảo tôn trọng tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động” (dự án NIRF).
Dự án này nhằm hỗ trợ công cuộc cải tổ về lao động tại Việt Nam, do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 9-11.
Các chuyên gia về lao động đánh giá đã đến lúc Việt Nam xây dựng một khung khổ quan hệ lao động mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo người lao động được chia sẻ công bằng thành quả lao động của họ.
Các chuyên gia lao động đánh giá dự án sẽ đóng góp quan trọng giải quyết những tồn tại của hệ thống quan hệ lao động hiện nay. Ảnh: P.ĐIỀN
Với khung khổ mới này sẽ giúp Việt Nam giải quyết những thách thức về quan hệ lao động, với điển hình là hàng loạt cuộc đình công tự phát kể từ giữa thập niên 1990 đến nay.
Khung khổ đó cũng hỗ trợ Việt Nam thực hiện những cam kết về lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới EU-Việt Nam và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Vào thời điểm đất nước đang tiến tới nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần pháp luật lao động hiện đại, các thiết chế quan hệ lao động cùng các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động vững mạnh hơn, và năng lực thực thi pháp luật tốt hơn để có thể hưởng lợi từ thương mại và đầu tư quốc tế.
Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee nhìn nhận Việt Nam đang đi trên con đường đổi mới thông qua hội nhập quốc tế và tăng cường áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường hiện đại.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá dự án NIRF sẽ đóng góp quan trọng giải quyết những tồn tại của hệ thống quan hệ lao động hiện nay, trên cơ sở đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
Thứ trưởng Diệp cũng chỉ ra những bất cập cần khắc phục, bao gồm pháp luật lao động chưa phù hợp với tiêu chuẩn của ILO và quản lý nhà nước về quan hệ lao động còn nhiều hạn chế, từ phổ biến pháp luật đến thanh tra và giám sát thực thi.
Cùng đó, tổ chức đại diện người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, thách thức trong việc hiện đại hóa hoạt động để hỗ trợ thành viên tốt hơn.