Trao đổi với tờ Die Welt ngày 8-2, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) rằng ông sẵn sàng ngăn chặn tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu (EC) về vấn đề di cư trong tuần này nếu khối không chi tiền củng cố biên giới đối phó nạn nhập cảnh bất hợp pháp.
“Lời nói sáo rỗng thôi chưa đủ. Cần có một cam kết rõ ràng và dứt khoát để tăng cường bảo vệ biên giới EU và sử dụng các nguồn tài chính phù hợp từ ngân sách EU” - Thủ tướng Nehammer nói, đồng thời cho biết thêm rằng nếu không có "biện pháp cụ thể" nào được thông qua thì Áo không thể ủng hộ tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer. Ảnh: GETTY IMAGES |
Ông Nehammer và các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia khác đã kêu gọi các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp trong một bức thư gửi cho chủ tịch Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu vào ngày 7-2, trước thềm hội nghị thượng đỉnh về di cư vào ngày 9-2.
Các nhà lãnh đạo Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Lithuania, Malta và Slovakia cũng đã ký vào bức thư đó, chỉ trích các chính sách hiện tại của châu Âu đóng vai trò như “yếu tố lôi kéo” khuyến khích những người vi phạm.
“Hệ thống tị nạn hiện tại đã bị phá vỡ và chủ yếu mang lại lợi ích cho những kẻ buôn lậu người, những kẻ lợi dụng sự bất hạnh của phụ nữ, đàn ông và trẻ em” - bức thư viết, kêu gọi mạnh tay trục xuất và đưa những người xin tị nạn đến “các nước thứ ba an toàn” bên cạnh tăng cường công sự dọc biên giới.
Tháng trước, ông Nehammer đã kêu gọi Ủy ban châu Âu trả 2 tỉ euro (2,17 tỉ USD) để xây dựng hàng rào biên giới giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Áo đã chặn Bulgaria tham gia Khu vực miễn thị thực Schengen hồi tháng 12, với lý do lo ngại rằng nước này không thể kiểm soát đầy đủ biên giới của họ, theo đài RT.
Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất một “dự án thí điểm” cho phép “trả lại ngay lập tức” những người xin tị nạn không thành công về nước của họ. Các bộ trưởng di cư EU cũng đã khuyến nghị hạn chế cấp thị thực cho các quốc gia từ chối tiếp nhận công dân trở về. Gambia là quốc gia duy nhất bị trừng phạt theo cách này tính đến nay.
Năm ngoái, các quốc gia EU đã ghi nhận hơn 330.000 trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp vào, theo dữ liệu từ cơ quan kiểm soát biên giới Frontex.