Bất chấp việc cả thế giới hạ cánh Boeing 737 MAX 8 sau tai nạn ở Ethiopia sáng 10-3, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Boeing vẫn tuyên bố không có chứng cứ nào để phải làm vậy. Đến tận ngày 13-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới ra một sắc lệnh khiến Mỹ là nước cuối cùng hạ cánh các máy bay Boeing 737 MAX 8 và MAX 9.
Ba hãng hàng không lớn của Mỹ đều khai thác Boeing 737 MAX 8 và MAX 9- American Airlines có 24 chiếc, Southwest Airlines có 34 chiếc, và United Airlines có 14 chiếc MAX 9.
Trả lời phỏng vấn sau đó, quyền Giám đốc FAA Dan Elwell giải thích quyết định hạ cánh được thông qua sau khi FAA phát hiện có một số điểm tương đồng giữa dữ liệu chuyến bay chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Ethiopian Airlines và hãng Lion Air.
Mỹ đã cho hạ cánh toàn bộ Boeing 737 MAX 8 sau vụ tai nạn ở Ethiopia. Ảnh: GETTY IMAGES
Một điểm giống nhau bất thường là tại hiện trường tai nạn ở Ethiopia các nhà điều tra tìm thấy một mảnh bộ thăng bằng ở đuôi máy bay ở trạng thái bất thường tương tự như bộ thăng bằng của chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air rơi ở Indonesia.
Theo ông Paul Gichinga từng lãnh đạo Hiệp hội Phi công Kenya, “nhìn vào những bức ảnh hiện trường tai nạn, chiếc máy bay có vẻ đã chúi mũi xuống… có vẻ các phi công đã không kiểm soát được máy bay”.
Trong khi đó báo cáo điều tra sơ bộ vụ tai nạn của hãng Lion Air cho rằng hệ thống an toàn tự động (MCAS) của chiếc Boeing 737 MAX 8 đã bị lỗi, khiến máy bay liên tục chúi mũi xuống, các phi công đã phải vật lộn chống lại hệ thống này ngay từ khi máy bay vừa cất cánh tới khi rơi xuống biển.
Ngày 16-3, một số nguồn tin của Reuters cho biết Boeing dự kiến sẽ sửa chữa phần mềm hệ thống MCAS trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày.
Hiện trường tai nạn chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ở Ethiopia sáng 10-3. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên thực tế các điểm tương đồng này đã được các nhà phân tích đã tìm ra vài ngày trước đó, chưa nói lời của ông Elwell trái với phát ngôn trước đó của FAA là đợi có kết quả phân tích cuối cùng từ các hộp đen chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ở Ethiopia rồi mới quyết định.
Theo nhà báo Elaine Ou của hãng tin Bloomberg (Mỹ) từng là giảng viên khoa công nghệ điện và thông tin tại Đại học Sydney (Úc), chính phủ Mỹ đã để áp lực từ Boeing lấn át các nguyên tắc trong việc ra quyết định về dòng máy bay Boeing 737 MAX 8.
Và cuối cùng khả năng lớn là chính phủ Mỹ và FAA phải ra quyết định sau khi chịu không nổi áp lực xã hội lẫn chính trị.
Một chiếc Boeing 737 MAX 8 đậu tại nhà máy ở TP Seattle, bang Washington (Mỹ) ngày 15-3. Ảnh: AP
Từ khi Boeing chưa cho ngừng khai thác Boeing 737 MAX 8, hàng chục nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu FAA lệnh hạ cánh toàn bộ dòng máy bay này, thậm chí còn yêu cầu Quốc hội gọi Boeing ra điều trần. Nữ thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren yêu cầu FAA phải “đưa những máy bay này xuống khỏi bầu trời” ngay lập tức.
Sau khi Boeing 737 MAX 8 được tạm “đắp chiếu” nhiều nghị sĩ lưỡng viện vẫn cương quyết FAA và Boeing sẽ không thoát điều tra của Quốc hội.
Sự cố hiện tại của Boeing gợi nhớ lại sự cố kẹt chân ga của hãng xe hơi Toyota. Năm 2010 xảy ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến kẹt chân ga xe hơi Toyota. Trong nhiều tuần, các vụ tai nạn này trở thành một trong những chủ đề nóng trên truyền thông Mỹ, có thời điểm chiếm 11% tổng thời lượng đưa tin.
Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) phải vào cuộc điều tra. Sau 10 tháng điều tra, báo cáo cuối cùng của NHTSA kết luận rằng 74/75 tai nạn là do lỗi người lái, không phải lỗi kỹ thuật. Kết luận gây tranh cãi tới mức Bộ Giao thông Mỹ đã quyết định không công bố báo cáo này.