Sáng 6-11, Hội nghị tổng kết quan chức cấp cao APEC (CSOM) khai mạc tại Đà Nẵng, mở đầu cho chuỗi sự kiện trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 11-11 tại TP này. Hội nghị thu hút sự tham dự của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Thống nhất hàng loạt vấn đề quan trọng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh năm nay có nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội đối với các nền kinh tế thành viên APEC.
“Điều quan trọng là mặc dù có nhiều khó khăn như vậy, chúng ta đã cố gắng có được nhiều kết quả quan trọng, duy trì động lực hợp tác, đạt được thống nhất trong hàng loạt vấn đề quan trọng, thúc đẩy ưu tiên hợp tác của năm nay, hỗ trợ các thành viên của APEC cùng phát triển” - ông Sơn nói.
Tại Hội nghị tổng kết quan chức cấp cao (CSOM) diễn ra trong hai ngày (6 và 7-11) này, đại biểu của các nền kinh tế thành viên sẽ tập trung thảo luận về nội dung quan trọng như đánh giá lại tiến trình của hợp tác APEC, báo cáo lên các lãnh đạo về từng vấn đề...
Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) APEC 2017 Bùi Thanh Sơn kêu gọi các vị quan chức cấp cao tận dụng cuộc họp này để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp sắp tới ở cấp bộ trưởng và cuộc họp của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.
Các trưởng SOM chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thanh niên APEC và tiếng nói tương lai
Cùng ngày, Diễn đàn Thanh niên APEC và tiếng nói tương lai cũng đã diễn ra. Diễn đàn có sự tham dự của gần 200 đại biểu thuộc 17 nền kinh tế thành viên APEC.
Trả lời báo chí bên lề diễn đàn, bạn Mai Nguyễn Công Thuận (SV năm ba khoa Thương mại, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng và tìm hiểu rất kỹ về nền kinh tế của các thành viên. Qua đây chúng tôi hy vọng sẽ có những đóng góp tích cực. Mong rằng tiếng nói của thanh niên Việt Nam nói riêng và thanh niên APEC nói chung sẽ được lan tỏa đến các nhà lãnh đạo, CEO, lãnh đạo doanh nghiệp để mở ra một tương lai tươi sáng hơn”.
Các mục tiêu của diễn đàn là tăng cường sự hiểu biết về các mục tiêu và mục đích của APEC, đóng góp vào quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa thanh niên tại các nền kinh tế thành viên. Cùng đó là tăng cường sự hiệu quả của mạng lưới thanh niên trong các nền kinh tế APEC nhằm trao đổi ý kiến và kiến thức về các vấn đề toàn cầu, tăng cường giao lưu thanh niên trong khu vực APEC.
Bên cạnh đó là thúc đẩy vai trò tích cực và mang tính xây dựng của thanh niên tại các khu vực trong quá trình xây dựng tương lai chung “hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng”. Đồng thời tạo cơ hội để thanh niên các nền kinh tế APEC bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề thanh niên lên lãnh đạo APEC.
Diễn đàn lần này cũng sẽ có phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “Làm thế nào để tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung giữa thanh niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Trong Năm APEC 2017, Việt Nam đăng cai chủ trì ba hội nghị quan chức cấp cao APEC (SOM). Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 1 (SOM 1) và các cuộc họp liên quan diễn ra từ ngày 18-2 đến 3-3 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa với tổng cộng 60 cuộc họp, hội thảo, đối thoại có sự tham dự đông đảo của các đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), các tổ chức quốc tế, khu vực... Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 2 (SOM 2) và các cuộc họp liên quan diễn ra vào tháng 5-2017 tại Hà Nội nhằm thúc đẩy chủ đề và triển khai bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 đã thông qua tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 1... Chủ động xây dựng mô hình thương mại mở Việt Nam đã phát triển tích cực chính sách mở cửa thương mại hội nhập với thế giới. Với chính sách đó, Việt Nam không chỉ thúc đẩy thực hiện quá trình phát triển kinh tế mà còn tham gia tích cực việc thiết lập các quy định của các tổ chức hội nhập mà Việt Nam muốn tham gia… Việt Nam đã chủ động trong việc xây dựng một mô hình thương mại ở châu Á- Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ tận dụng APEC 2017 để thể hiện với thế giới về tiềm lực của mình, cũng như khả năng vượt qua thách thức, tiếp tục hội nhập tích cực, chủ động và hiệu quả với thế giới, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn trong khía cạnh kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương. GS Ezequiel Ramoneda, điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, |