Thể thao Việt Nam tham gia một số nội dung có thể xem là “mỏ vàng” như pencak silat, judo, wushu… và cũng là môn thế mạnh của chủ nhà. Nhưng không phải dễ gì chủ nhà chấp nhận một đại hội thể thao có nhiều môn võ đến thế.
Ở đấu trường Asiad, có một thực tế là các kình ngư nữ và nam của Việt Nam khó trông chờ có huy chương vì có sự hiện diện của Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc đều là cường quốc bơi lội Olympic, thế giới… Vì thế, hy vọng vàng chủ yếu trông chờ vào các môn võ, như trước đây Hồ Nhất Thống, Trần Quang Hạ của taekwondo hay một số nội dung pencak silat hoặc wushu (ở các nội dung biểu diễn) mà thôi.
Pencak silat phụ thuộc nhiều vào sự chấm điểm cảm tính của trọng tài. Ảnh: JAKARTAPOST
Những năm gần đây, taekwondo Việt Nam không mạnh, không còn “làm trùm” Đông Nam Á sau nhiều lần bị Thái Lan qua mặt, bên cạnh mùa này có Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật, Iran thì thật khó có cửa. Hy vọng đặt nhiều vào pencak silat nhưng môn võ có xuất xứ từ Indonesia được tiên liệu vô cùng khó khăn cho Việt Nam khi chủ nhà phải… gom huy chương.
Cái khó ở một đại hội có quá nhiều môn võ khiến các đội khách, trong đó có Việt Nam chuẩn bị tinh thần trước những quyết định lạ từ trọng tài. Nói chính xác hơn là việc ăn gian do trọng tài chấm điểm bằng cảm tính. Cách ăn gian cũng rất phong phú, từ việc bị ép khi gặp võ sĩ chủ nhà, cho đến cách ăn gian khác là thua một võ sĩ vô danh của nước nào đó nhằm giúp võ sĩ chủ nhà dễ thở sau đó.
Cơ hội gom huy chương dễ nhất vẫn là kiểu “nâng đỡ không trong sáng” ở các môn mà trọng tài chấm điểm bằng cảm tính, rõ hơn trong nội dung võ.