Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ngày 26-8 tổ chức cuộc họp kín với những người trẻ Hong Kong, một ngày sau khi xảy ra vụ bạo lực chưa từng có ở thành phố này, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Đi cùng bà Lâm có người đứng đầu ngành Giáo dục Hong Kong Kevin Yeung Yun-hung và người phụ trách các vấn đề nội bộ của TP này Lau Kong-wah. Bà Lam tổ chức cuộc họp kín vào chiều ngày 26-8 với khoảng 20 người, đa số trong độ tuổi 20-30 và dường như không có bất kỳ liên hệ chính trị nào.
Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam nói rất khó để rút hoàn toàn dự luật. Ảnh: SCMP
Một nguồn tin tham dự cuộc họp cho biết cuộc họp do văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hong Kong đề xuất. Bà Lam có mặt tại cuộc họp diễn ra tại Quảng trường Thanh niên ở Chai Wan, trong khi Kevin Yeung Yun-hung và ông Lau Kong-wah ở đó ba giờ đồng hồ.
Cuộc họp diễn ra hai tháng sau khi các hiệp hội sinh viên đại học Hong Kong phản đối đề nghị của bà Lâm có một cuộc đối thoại với bà giữa lúc khủng hoảng chính trị nhấn chìm TP này kể từ tháng 6.
Theo một nguồn tin tại cuộc họp, một số người đã nói với Trưởng Đặc khu Lam rằng bà không nhất thiết phải đáp ứng năm yêu cầu cùng một lúc, nhưng bà có thể xem xét rút hoàn toàn dự luật trước tiên và thiếp lập một cuộc điều tra độc lập.
Bà Lam trả lời rằng sẽ rất khó để rút hoàn toàn dự luật nhưng không nói lý do, nguồn tin cho biết. Bà Lam cũng nói rằng cảnh sát đã chịu áp lực lớn trước cáo buộc của người biểu tình về việc sử dụng vũ lực quá mức.
Theo một người có mặt tại cuộc họp, bà Lâm gần như lắng nghe và ghi chép lại. “Bà ấy nói rằng: ‘Tôi hoàn toàn chấp nhận tất cả quan điểm và những chỉ trích của các bạn’”, người này nói.
Cảnh sát và người biểu tình đụng độ tại Tsuen Wan ngày 25-8. Ảnh: SCMP
Chiều 26-8, Trợ lý cảnh sát trưởng Hong Kong Mak Chin-ho yêu cầu người Hong Kong ngừng im lặng giữa lúc leo thang căng thẳng bởi vì người biểu tình sẽ coi sự im lặng của họ là cái gật đầu cho những hành động của mình.
“Những hành độngc cực đoan của họ đã tăng cường với việc sử dụng các vũ khí nguy hiểm hơn và đôi khi chết người, gồm gạch, ống kim loại, gậy dài và bom xăng. Nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì luật pháp và trật tự, bảo vệ sự an toàn của công dân cũng như tài sản của họ. Trước các hành động phi pháp này, cảnh sát buộc phải sử dụng vũ lực tương xứng. Tôi hy vọng người dân có thể hiểu được điều này”, ông Mak nói.
Những tuyên bố trên của ông Mak đưa ra một ngày sau khi cảnh sát bắn 145 viên đạn hơi cay, 50 viên đạn cao su và 13 quả lựu đạn bọt biển nhằm giải tán đám đông người biểu tình ở Tsuen Wan. 54 người biểu tình, trong độ tuổi 12-51, đã bị bắt vì tình nghi tham gia tấn công cảnh sát, sở hữu vũ khí tấn công và một số hành động khác.
Tối ngày 26-8, những người biểu tình Hong Kong tổ chức họp báo để giải thích rằng họ sử dụng vũ lực chỉ vì mục đích tự vệ trước sự bạo lực của cảnh sát.
“Bởi vì cảnh sát đã làm leo thang việc sử dụng vũ lực trước, chẳng hạn dùng vòi rồng. Chúng tôi cần làm hơn nữa để bảo vệ chính mình. Việc sử dụng bom xăng cũng nhằm tạo sự chia rẽ vì chúng tôi lo ngại sẽ có thêm nhiều người biểu tình sẽ bị bắt ”, một người biểu tình đeo mặt nạ tên Chris Chan nói.
Chan, 30 tuổi, cho biết ông đại diện cho 100 người biểu tình cực đang và liên lạc với tổng cộng 300 người. Theo Chan, các nhóm này không có ý định tổ chức đối thoại với chính quyền Hong Kong. Chan nói các cuộc thảo luận chỉ khiến người biểu tình bất lợi.
Trong một buổi họp báo độc lập, Chánh văn phòng của chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong Matthew Cheung Kin-chung đã mở rộng kế hoạch của chính quyền gặp gỡ giới trẻ.
Cảnh sát rút súng sau khi bị người biểu tình truy đuổi và đánh. Ảnh: AP
“Chúng tôi hy vọng tìm ra những xung đột sâu xa trong xã hội của chúng tôi và tại sao người trẻ lại cực đoan như vậy”, ông nói.
Ông Cheung nói thêm: “Chính quyền đã rút ra những giá trị tham chiếu từ cách phản ứng của chính phủ Pháp trước các cuộc biểu tình “áo vàng”. Họ đã tổ chức khoảng 10.000 cuộc gặp với người biểu tình”.
Kể từ tháng 6, Hong Kong chìm ngập trong các cuộc biểu tình sau khi chính quyền thành phố đề xuất dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử. Mặc dù bà Lam tuyên bố dự luật đã “chết”, nhưng những người biểu tình vẫn đề ra năm yêu cầu, trong đó có yêu cầu chính thức rút dự luật và điều tra độc lập vào các hành động của cảnh sát.
Cuối ngày 26-8, một nhóm người biểu tình tụ tập ở Sham Shui Po và chiếu laser vào đồn cảnh sát nhưng nhanh chóng bị giải tán.