Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) vừa đệ đơn kiện Chính phủ Canada, Cơ quan Biên phòng và cảnh sát nước này về cáo buộc vi phạm các quyền theo hiến pháp của bà Mạnh khi bắt, khám xét và thẩm vấn nữ doanh nhân này, theo hãng tin Bloomberg.
Bà Mạnh bị Canada bắt tại TP Vancouver, thuộc tỉnh British Columbia, vào ngày 1-12-2018 theo yêu cầu của Mỹ - nước có hiệp ước dẫn độ với Canada. Bà này bi Mỹ cáo buộc lừa đảo ngân hàng, lừa đảo chuyển rửa tiền và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Không chỉ bà Mạnh mà cả Huawei đều bị Mỹ cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Bà Mạnh là con gái của nhà sáng lập Huawei, tỉ phú Nhậm Chính Phi.
Trong đơn kiện gửi lên tòa án phúc thẩm British Columbia ngày 1-3, các luật sư của bà Mạnh cho rằng cách thức các nhân viên chức trách Canada thu thập chứng cứ và thông tin từ bà Mạnh vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Quyền và Tự do Canada.
Theo đơn kiện, các nhân viên Cơ quan Biên phòng Canada đã cầm giữ, khám xét và thẩm vấn bà Mạnh một cách bất hợp pháp khi chưa có lệnh bắt, trước khi bà chính thức bị bắt. Cụ thể, Cảnh sát Hoàng gia Canada chỉ thông qua lệnh sau khi bà Mạnh bị cầm giữ trái pháp luật ba giờ ở sân bay.
Bà Mạnh Vãn Châu đang được tại ngoại, sẽ hầu tòa vào ngày 6-3 tới. Ảnh: BLOOMBERG
Đơn kiện cáo buộc nhân viên Cơ quan Biên phòng Canada đã buộc bà Mạnh giao nộp mọi thiết bị điện tử của bà, cả máy tính và mật khẩu. Sau đó, các nhân viên này đã mở và xem các nội dung trong các thiết bị của bà Mạnh một cách trái phép, vi phạm quyền riêng tư của bà.
Theo đơn kiện, vi phạm quyền riêng tư của bà Mạnh còn thể hiện ở việc các nhân viên Cơ quan Biên phòng Canada lục soát hành lý của bà Mạnh.
Chưa có phản ứng từ Bộ Tư pháp hay Cơ quan Biên phòng Canada hay Cảnh sát Hoàng gia Canada.
Bà Mạnh hiện đang được tự do chờ bảo lãnh và dự kiến sẽ xuất hiện tại tòa án Vancouver lúc 10 giờ sáng 6-3 xử yêu cầu dẫn độ bà từ phía Mỹ. Ngày 1-3, chính phủ Canada đã đồng ý bắt đầu tiến trình xem xét dẫn độ bà Mạnh.
Quan hệ giữa Canada và Trung Quốc xấu đi nhiều sau vụ Canada bắt bà Mạnh. Ngày 1-3, Trung Quốc lên án quyết định của Canada sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ bà Mạnh từ phía Mỹ, đồng thời nhắc lại yêu cầu thả bà Mạnh.