Dưới đây là một số đúc kết mà tui chiêm nghiệm được, quý lắm tui mới nói cho biết đó nha!
Một, cân nhắc xuân xanh. Người ta khi đạt đến tuổi “gừng càng già càng cay”, có chút ít vai vế thì mưu cầu tiến lên, tiến xa là điều hiển nhiên. Nhưng muốn đi học bằng tiền nhà nước để có cái bằng cấp ngửa mặt với đời thì điều đầu tiên phải làm là đếm coi mình bao nhiêu tuổi. Nếu sự học để đề bạt ấy chỉ dành cho người trẻ thì chớ dại mà chen vào. Hoặc trường hợp thật sự ham học thì thôi cứ móc tiền túi ra là ổn.
Hai, thông tin sự học phải rõ. Học bán du học thì cứ y vậy mà khai báo, có ai cười hay khinh dễ gì đâu. Đừng có mà bảo ta đây học chính quy, rách việc lắm!
Ba, dẫu lấy được bằng về thì cũng phải coi có được cơ quan chức năng trong nước công nhận hay không, chớ vội vàng ghi ta là tiến sĩ này, tiến sĩ kia, rồi bị phát hiện thì học vị trong lý lịch “bỗng dưng tụt xuống”, gây cười cho thiên hạ.
Kinh nghiệm đá vàng là bài học của ông phó bí thư một tỉnh miền Trung vừa phải móc xỉa 386 triệu đồng nộp trả ngân sách. Có chuyện đi học của ổng mà thiên hạ bàn tán rần rần, ngại giùm ổng quá.
Làm cán bộ, muốn xài tiền nhà nước đâu phải dễ!