Bà Rịa-Vũng Tàu: Lý giải việc một doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu dự án công

(PLO)- Tỉnh cũng thẳng thắn nêu rõ những "điểm nghẽn" khiến việc giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng dù cao hơn cùng kỳ năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa 7, nhiệm kỳ 2021-2026 , các đại biểu đã có những thảo luận sâu về giải ngân vốn đầu tư công.

Giải pháp nhiều nhưng hiệu quả chưa quá cao

Theo HĐND tỉnh, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị nên ngay từ đầu năm 2023, tỉnh triển khai nhiều giải pháp, có nhiều văn bản, cuộc họp chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.

Nhưng kết quả 6 tháng đầu năm vẫn không như kỳ vọng. Giá trị giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 31% tổng kế hoạch vốn 2023 (tính đến hết tháng 6-2023 dù vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2022).

Những tồn tại hạn chế đã được đoàn giám sát HĐND tỉnh chỉ ra. Trong đó đặc biệt là thời gian kéo dài, chất lượng lập hồ sơ đầu tư kém, công tác phối hợp không tốt, trách nhiệm chủ đầu tư chưa cao...

Kỳ họp HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn "nóng" về các vấn đề cũ là bồi thường, GPMB chậm. Ảnh: HH

Kỳ họp HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn "nóng" về các vấn đề cũ là bồi thường, GPMB chậm. Ảnh: HH

Về hoạt động đấu thầu, thời gian qua báo chí có đưa tin về một số doanh nghiệp liên tiếp trúng các gói thầu lớn do các Ban quản lý dự án chuyên ngành tỉnh và một số địa phương làm chủ đầu tư với tỷ lệ giảm giá rất thấp, thường dưới 1%.

Điều này gây dư luận không tốt về công tác đấu thầu đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở KH&ĐT thì công tác đấu thầu tại tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc, tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2013.

Do vậy đề nghị lãnh đạo Sở đưa ra các giải pháp, hướng xử lý hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công; công tác đầu thấu...

Các "điểm nghẽn" cũ "cản chân" tiến độ giải ngân

Ông Lê Ngọc Linh, giám đốc Sở KH&ĐT trả lời, “điểm nghẽn” lớn nhất vẫn là công tác bồi thường, GPMB. Năm 2023 có 16 dự án được bố trí vốn GPMB đến cuối tháng 6 đạt tỉ lệ giải ngân hơn 15%.

Nguyên nhân chậm là có bốn dự án kéo dài công tác bồi thường nhiều năm (đều ở TP vũng Tàu, gồm trường mầm non Rạch Dừa, THCS Hàn Thuyên, trụ sở công an, trung tâm hành chính thành phố). Bốn dự án bố trí tổng 290 tỉ đồng nhưng nay mới giải ngân được 27 tỉ đồng.

Vướng mắc thứ hai là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng có ba dự án. Số vốn giải ngân hiện mới chỉ đạt 0,2%. Còn 9 dự án thì có dự án đang kiểm kê, hoặc bồi thường, thông báo thu hồi đất...

Việc tái định cư, nhà ở xã hội triển khai chưa tốt là một trong các nguyên nhân khiến bồi thường, GPMB kéo dài. (Ảnh thi công hạ tầng khu tái định cư phường 10, Vũng Tàu): TK

Việc tái định cư, nhà ở xã hội triển khai chưa tốt là một trong các nguyên nhân khiến bồi thường, GPMB kéo dài. (Ảnh thi công hạ tầng khu tái định cư phường 10, Vũng Tàu): TK

Các vướng mắc cụ thể là kiểm kê, công tác xác định giá đất, nguồn gốc đất chưa ổn, làm chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch giữa các dự án; làm chưa tốt công tác tái định cư, nhà ở xã hội.

Ngoài ra là vướng mắc về thể chế khiến nhiều dự án kéo dài nhiều năm. Trong khi pháp luật có sự thay đổi dẫn tới việc giải quyết các trường hợp chuyển tiếp rất khó khăn.

Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương qua nhiều thời kỳ chỉ đạo chưa quyết liệt còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép.

Dự án đường Long Sơn-Cái Mép tiến độ thị công chưa đảm bảo do vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng. Ảnh: TK

Dự án đường Long Sơn-Cái Mép tiến độ thị công chưa đảm bảo do vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng. Ảnh: TK

Về giải pháp, lãnh đạo các địa phương cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, mổ xẻ từng dự án, vướng mắc ở đâu để kịp thời tháo gỡ, kiến nghị cấp trên xử lý.

Tuân thủ kế hoạch triển khai từ đầu năm, có vướng mắc phải tìm giải pháp tháo gỡ ngay; tăng cường quản lý địa bàn; Quan tâm nhân lực làm công tác bồi thường, GPMB ở các trung tâm Phát triển Quỹ đất.

Chưa phát hiện sai phạm về đấu thầu

Về hoạt động đấu thầu, ông Lê Ngọc Linh khẳng định, ghi nhận các thông tin báo chí nêu. Tuy nhiên đến nay Sở chưa thấy sai phạm nào liên quan đến công tác đấu thầu và lý giải thêm về quy định đấu thầu hiện nay chặt chẽ.

"Thời gian qua ở một số lĩnh vực, địa phương có những nhà thầu thực sự có năng lực, kinh nghiệm thực sự. Việc họ trúng thầu nhiều gói thầu cũng là logic. Về nguyên tắc đúng quy định thì họ có quyền trúng thầu”- ông Linh, khẳng định.

Ông Lê Ngọc Linh, giám đốc Sở KH&ĐT thông tin về giải ngân vốn đầu tư công, đấu thầu. Ảnh: TK

Ông Lê Ngọc Linh, giám đốc Sở KH&ĐT thông tin về giải ngân vốn đầu tư công, đấu thầu. Ảnh: TK

Trong thời gian tới, Sở sẽ thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định hồ sơ đấu thầu; Tăng cường kiểm tra giám sát, tập huấn về chuyên môn cho cấp huyện; Yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao chất lượng, thẩm định hồ sơ mời thầu, xét thầu.

"Từ năm 2024 trở đi, 100% các dự án đấu thầu tại tỉnh tiến hành qua mạng. Do đó sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực, lãng phí ở trong này”- ông Linh, nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm