CHƠI THỂ THAO KHÔNG ĐÚNG CÁCH: HIỂM NGUY RÌNH RẬP

Bài 2: VĐV nghiệp dư chấn thương nhiều hơn chuyên nghiệp

Nhiều người cứ nghĩ các môn thể thao nhẹ như Yoga hay chạy bộ, bơi lặn… càng chơi càng khỏe nhưng thực tế thì muốn khỏe phải hiểu đúng và tập đúng.

Thích Yoga thì… Yoga

Trao đổi với chúng tôi, BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương và Chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương, cho biết: “Có một bệnh nhân lớn tuổi tưởng chọn cho mình môn Yoga là hợp lý. Tuy nhiên, do không biết cách tập và không tìm đến sự tư vấn của những nhà chuyên môn nên cuối cùng làm cho tình hình sức khỏe thêm tồi tệ. Bệnh nhân này đã ngồi thiền nhưng khủy chân gập quá mức và bị đau nhưng lại cứ tưởng do ngày đầu tập luyện chưa quen. Cứ thế ngày qua ngày, bệnh nhân này ngày càng đau nặng hơn khi cả gối lẫn cổ chân đều bị sưng và viêm nặng. Cuối cùng vết thương nặng quá đến độ phải đi bệnh viện và phải phẫu thuật”.

Các bác sĩ chuyên về xương khớp đưa ra lời khuyên khi tuổi trên 35 xương bắt đầu quá trình thoái hóa, trong đó những bộ phận quan trọng như khớp gối, sụn chêm, dây chằng chịu tác động bởi thời gian rõ nét nhất. Vì thế mà mọi hoạt động thể thao nặng cần phải cân nhắc với tình hình sức khỏe, sự tư vấn của những nhà chuyên môn, của bác sĩ chuyên khoa.

Bài 2: VĐV nghiệp dư chấn thương nhiều hơn chuyên nghiệp ảnh 1

Luyện tập thể thao nếu đúng cách và có sự hướng dẫn, tư vấn của giới chuyên môn, y học thì rất tốt, còn ngược lại có khi lại mang thêm bệnh hoặc chấn thương. Ảnh: CTV - XUÂN HUY

Sai lầm của người tập phong trào thường là quan niệm chơi thể thao càng nhiều, càng lâu thì sức khỏe sẽ tăng lên nhanh. Có người “gồng” đến 2 hoặc 3 giờ đồng hồ bất chấp những cơn đau từ âm ỉ đến mạnh từ các khớp gối và cơ bắp… Đây là sai lầm hết sức tệ hại có thể dẫn đến những hệ lụy khác cho sức khỏe.

Có bệnh nhân từng đến các bác sĩ chuyên gia sau một thời gian chơi thể thao thấy đau khớp gối. Các bệnh nhân này cứ nghĩ do mới tập vài ngày đầu nên việc đau gối là… bình thường... Thực chất đấy là dấu hiệu nguy hiểm do quá tải, cơ thể không chịu nổi lượng vận động quá lớn ảnh hưởng đặc biệt đến các khớp gối.

Thể thao phong trào, chấn thương… chuyên nghiệp

Một thống kê cho thấy cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp rất nhiều nhưng số người bị đứt dây chằng lại ít hơn rất nhiều so với những người chơi dạng phong trào. Lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa là chơi bóng đá không phải cứ vào là đá mà còn phải học cách khởi động thật kỹ đặc biệt các khớp gối và còn phải biết học cách… té ngã. Nếu cầu thủ chuyên nghiệp khi tranh chấp hay mất thăng bằng bị té ngã thì phản xạ tự nhiên luôn là cuốn người ngã để bảo vệ hai gối và các phần khớp dễ tổn thương trong cơ thể. Trong khi đó, dân bóng đá phong trào khi bị té ngã thì hay cố gắng trụ mạnh hai chân để ghì lại. Tính nghiệp dư này khiến sức nặng cơ thể và lực tác động tì lên hai gối rất dễ xảy ra tình trạng giãn hoặc đứt dây chằng chéo trước lẫn chằng chéo sau…

Ngoài ra có rất nhiều nguyên nhân khác như khởi động không kỹ, không đúng cách, trang thiết bị thô sơ, giày không đúng chủng loại dẫn đến những mặt phản tác dụng khi chơi thể thao.

Ở môn cầu lông, dân chơi phong trào thường hay chọn công viên, những khoảng sân rộng rồi giăng lưới tập luyện. Lời khuyên cho các tay chơi nghiệp dư là tránh những mặt sân không bằng phẳng, xung quanh có những gờ đá, lề đường hay cây cối khiến nguy cơ chấn thương cao. Ngoài ra điểm tối kỵ của môn cầu lông là khởi động hời hợt với tâm lý vừa chơi vừa khởi động khiến các khớp vai, cổ tay… dễ bị va chấn khi chưa được làm nóng, chuẩn bị để hoạt động với cường độ cao. Ở môn này chấn thương thường thấy là trật khớp vai và tổn thương cổ, khuỷu tay lẫn cổ chân…

Tương tự là môn quần vợt, các nhà chuyên môn hay dùng chung một thuật ngữ nói về chấn thương ở khuỷu tay là “tennis elbow” (các vấn đề về khuỷu tay do chơi cầu lông, quần vợt)…

BS Michels, người Pháp công tác tại một bệnh viện quốc tế ở TP.HCM có thói quen ra công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) chạy bộ. Tại đây ông hay gặp và hướng dẫn lẫn đưa ra lời khuyên cho những người tập thể thao đúng cách. Có lần ông dẫn cả người phiên dịch đến nhắc các phụ nữ tập tự phát với những động tác không bài bản hàng giờ đồng hồ nhưng rất tiếc là nỗ lực của ông ít được tiếp thu. Thậm chí có người còn trách vị bác sĩ này là “Rảnh quá!” hoặc “Dở hơi!”.

Bài 2: VĐV nghiệp dư chấn thương nhiều hơn chuyên nghiệp ảnh 2

Thực tế quan niệm của đại bộ phận người dân ra những khoảng trống hay công viên vung vít thật mạnh cứ nghĩ đó là tăng cường sức khỏe và điều đấy hết sức sai lầm.

TẤN PHƯỚC

Đón đọc kỳ tới: Những sai lầm thường mắc phải và cách khắc phục

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm