Theo CNN, bờ biển tuyệt đẹp ở làng Dooagh trên đảo Achill, ngoài khơi hạt Mayo, Ireland đã biến mất trong đợt bão mùa xuân năm 1984 sau khi những con sóng cuốn trôi tất cả cát.
Khung cảnh chỉ còn trơ lại sỏi đá khô cằn. Tuy nhiên, nhờ thủy triều mạnh trong suốt 10 ngày liền trong tháng 4-2017, hàng trăm ngàn tấn cát đã đổ dồn lên bãi biển, khôi phục sức sống và đem lại vẻ đẹp cho một bờ biển dài 300 m như trước đây đã từng.
Bờ biển dài 300 m ở đảo Achill, Ireland xuất hiện trở lại sau 33 năm biến mất. Ảnh: CNN
"Trước khi biến mất, bãi biển đã có ở đó từ rất lâu và gần như liên tục cho đến năm 1984-1985. Trong suốt thời gian ấy, một số cơn bão lớn thực sự phá hủy bãi biển và nó hoàn toàn bị cuốn trôi".
"Năm 1984 là năm cuối cùng bãi biển còn ở đó. Sau đó vào tháng 4, chúng tôi có một đợt lạnh kéo dài qua lễ Phục sinh với gió thổi tới từ phương Bắc. Gió thổi thường xuyên và ổn định, mang đến vật chất xói mòn từ nơi khác" - Sean Molly, người quản lý ở Achill Tourism, cho biết.
Achill là hòn đảo lớn nhất Ireland với những đầm lầy tuyệt đẹp và những vách đá nhô ra biển hoang sơ. Với dân số chưa tới 3.000 người, nền kinh tế chính của đảo Achill là ngành du lịch. Việc bãi biển này “trở lại” đã đem đến nguồn lợi du lịch mới cho hòn đảo này.
Molloy ước tính Achill hằng năm đón nhận khoảng 150.000 tới 180.000 du khách và con số này có thể tăng cao sau khi bờ biển dài 300 m tái xuất. Những người dân địa phương hy vọng bãi biển sẽ vẫn lưu lại ở đây để chính thức được công nhận trong cuộc xét duyệt năm sau.