Bài toán 'chia nước' cho 9 triệu dân

(PLO)- Chính quyền thủ đô Bogotá và các vùng lân cận (Colombia) áp dụng chính sách hạn chế sử dụng nước, trong bối cảnh mực nước các hồ chứa xuống thấp do hạn hán.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần này, các tài khoản mạng xã hội ở thủ đô Bogotá (Colombia) chia sẻ nhau một bức ảnh chế.

Đó là hình ảnh của C. Montgomery Burns – nhân vật phản diện trong loạt phim hoạt hình “The Simpsons” – xuất hiện ở cửa với một bó hoa hồng đỏ và một hộp kẹo hình trái tim. Anh này mỉm cười nói: “Tôi thấy cách bạn hạn chế sử dụng nước khác với tôi”.

Hình ảnh này là một cách châm biếm với tình hình của người dân Bogotá, sau khi chính quyền TP thông báo người dân sẽ phải hạn chế sử dụng nước, trong bối cảnh hạn hán do El Niño gây ra đã đẩy mực nước các hồ chứa xuống mức thấp kỷ lục

Chính quyền thủ đô Bogotá và các vùng lân cận (Colombia) áp dụng chính sách hạn chế sử dụng nước, trong bối cảnh mực nước các hồ chứa xuống thấp do hạn hán.
Một phần của lòng hồ chứa tại thị trấn Usme, Bogotá (Colombia) vào ngày 8-4. Mực nước xuống thấp buộc chính quyền TP ban hành chính sách hạn chế sử dụng nước. Ảnh: GETTY IMAGES

Việc hạn chế sử dụng nước có hiệu lực vào sáng 11-4. Theo đó, Bogotá và hàng chục thị trấn xung quanh thủ đô được chia thành 9 khu vực khác nhau. Các khu vực này sẽ luân phiên bị cắt nước sinh hoạt trong 24 giờ. Theo đài CNN, các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 9 triệu người.

Nhà chức trách cho biết họ có các kế hoạch dự phòng để đảm bảo trường học và bệnh viện có nguồn cung cấp nước liên tục.

Bài toán khó

Các biện pháp này là một phần trong kế hoạch khẩn cấp do chính phủ Colombia và thị trưởng Bogotá đưa ra sau khi mực nước các hồ chứa đạt mức “thấp lịch sử”. Theo chính quyền địa phương, mực nước các hồ chứa Chuza và San Rafael – một phần của hệ thống cung cấp 70% lượng nước uống của thành phố – đang ở những mức thấp đặc biệt nghiêm trọng.

“Chúng ta đừng lãng phí một giọt nước nào ở Bogotá vào lúc này. Điều đó sẽ giúp chúng ta có thể dỡ bỏ hoặc giảm bớt những hạn chế này nhanh hơn” – Thị trưởng Carlos Fernando Galán nói trong một cuộc họp báo ở Bogotá hôm 8-4.

Ông Galán kêu gọi “một sự thay đổi hành vi bền vững theo thời gian, để đảm bảo nước có đủ cho tất cả mọi người”. Ông cũng cho biết một số hồ chứa có công suất thấp hơn 20% so với mức trung bình.

Trước đó, từ tháng 2, người dân ở một số vùng gần thủ đô thỉnh thoảng bị cắt nước. Họ thường phải chờ xe bồn chở nước chạy qua để lấy nước uống.

Cô Clara Escobar – nhà thiết kế đồ họa – cho biết: “Có những việc chúng tôi không thể làm được nữa, chẳng hạn rửa xe. Chúng tôi tắm ít hơn. Chúng tôi chỉ giặt quần áo khi cần thiết".

Theo CNN, việc các TP ở khu vực Mỹ Latinh phải đối mặt với khủng hoảng nước không phải điều lạ. Mexico City (thủ đô Mexico) cũng có thể sắp cạn nước do tác động kết hợp của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Niño, điều kiện địa lý và sự phát triển đô thị nhanh chóng mặt.

Tuy nhiên, với Bogotá, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, TP này buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước.

Nằm trên một cao nguyên núi, Bogotá là một trong những thủ đô cao nhất thế giới, với độ cao hơn 2.600 m so với mực nước biển. Phía đông TP là các đỉnh núi của dãy Andes. Phía tây là một thung lũng tươi tốt nằm cạnh sông Magdalena – con sông lớn nhất của Colombia và là nguồn nước quan trọng của nước này.

ap24096683052628.webp
Hồ chứa San Rafael ở ngoại ô Bogotá – nguồn cung cấp nước uống cho TP, vào ngày 5-4. Ảnh: AP

Mưa khá phổ biến ở Bogotá. Nơi đây cũng phụ thuộc rất nhiều vào mưa để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước.

“Hầu hết các TP trên thế giới đều phụ thuộc vào nước ngầm để cung cấp nước. Bogotá khác ở chỗ hầu hết nguồn cung cấp nước của chúng tôi đều đến từ nước mặt như hồ chứa – nơi dễ bị lượng mưa ảnh hưởng” – ông Armando Sarmiento, GS sinh thái học tại ĐH Javeriana (Bogotá), cho biết.

Trả lời CNN, ông Sarmiento cho rằng chính sự phụ thuộc vào mưa khiến Bogotá đặc biệt dễ bị hạn hán.

Cả xã hội cùng hành động

Chính quyền Colombia đang nỗ lực tìm cách ngăn tác động của thời tiết lên đời sống người dân.

Theo chính quyền địa phương, kể từ năm 2023, Bogotá đã trải qua thời kỳ khô hạn kéo dài do ảnh hưởng của El Niño. Hồi tháng 1, chính phủ Colombia cũng đã ban hành nghị định về thảm họa thiên nhiên, để huy động các nguồn lực nhằm chống lại những tác động của El Niño, bao gồm cháy rừng và thiếu nước.

Bộ Môi trường Colombia vào tháng 2 đã phát động một chiến dịch với hashtag #ElNinoNoEsUnJuego (El Niño không phải là một trò đùa) để cảnh báo người dân Colombia đừng đánh giá thấp cuộc khủng hoảng do hiện tượng này gây ra. Tổng thống Colombia mới đây cũng ủng hộ kế hoạch hạn chế sử dụng nước của Bogotá.

Khi hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến thời tiết khắc nghiệt trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn, các chuyên gia cảnh báo rằng áp lực lên hệ thống cung cấp nước của các TP cũng sẽ tăng lên.

Bộ trưởng Môi trường Colombia – bà Susana Muhamad kêu gọi chính quyền thành phố Bogotá soạn thảo các kế hoạch dài hạn nhằm giải quyết nguồn cung cấp nước đang dần cạn kiệt.

“Nước sẽ không có nhiều như trước đây nếu chúng ta không tôn trọng chu trình cung cấp tự nhiên của các hồ chứa, nếu chúng ta không tôn trọng chu trình tự nhiên của nước” – bà Susana Muhamad nói hôm 8-4. Bà cũng kêu gọi thành lập một lực lượng đặc biệt để hạn chế việc mở rộng đô thị của Bogotá về phía các khu vực tự nhiên.

ap24099637063393.webp
Điểm đánh dấu mực nước trong hồ chứa San Rafael. Ảnh: AP

Ông Sarmiento cho rằng mặc dù khó dự đoán khí hậu sẽ diễn biến như thế nào trong những năm tới. Tuy nhiên, nhìn chung, cả Bogotá và Colombia cần phải chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai – được dự đoán sẽ ở quy mô lớn hơn nhiều.

“Trong những thời điểm như thế này, mọi người đều tập trung vào việc xem xét mục đích sử dụng nước của từng cá nhân, chẳng hạn hạn chế tắm vòi sen” – ông Sarmiento nói.

Tuy nhiên, theo ông, trên thực tế, vấn đề còn lớn hơn nhiều, đặc biệt là ở Bogotá – một trong những trung tâm công nghiệp của Colombia.

“Chúng ta cần phải suy nghĩ lại về việc sử dụng nước của chúng ta và cả xã hội phải cùng hành động” – ông Sarmiento nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm