Bài toán thiếu xăng có lẽ nên giải bằng cơ chế thị trường

(PLO)- Việc sửa đổi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu nên được thực hiện theo hướng thay đổi toàn diện, không chỉ dừng ở việc đưa mặt hàng này về một đầu mối quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không thể để tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài, cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tối 2-11, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện yêu cầu các bộ, ngành… đảm bảo thị trường xăng dầu hoạt động ổn định trong mọi tình huống. Hy vọng rằng sau chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thị trường xăng dầu sẽ sớm ổn định trở lại.

Suýt phải nghỉ chợ vì không mua được xăng

Chị Phạm Ánh Tuyết (ngụ huyện Đan Phượng, Hà Nội) mưu sinh bằng nghề buôn bán hoa quả. Hằng ngày, 5-6 giờ sáng, chị Tuyết phải dậy sớm chở hoa quả ra chợ cách nhà gần 20 km để bán.

Tối 1-11, như thường lệ, chị Tuyết đi đổ xăng để sáng hôm sau ra chợ sớm. Thế nhưng dù đã đi tới 3-4 cây xăng trong xã và xã lân cận, chị Tuyết vẫn không mua được xăng vì cửa hàng thông báo hết xăng hoặc đóng cửa. Vừa gọi điện thoại cho khách hàng thông báo sáng hôm sau không thể giao hàng vì không có xăng đi lại thì may mắn chị xin được vài lít xăng của người quen.

Cũng như chị Tuyết, anh Hùng (ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) rất bất ngờ vì không nghĩ thế kỷ 21 mà mua xăng lại khó khăn đến thế. Trên quãng đường 10 km từ quận Cầu Giấy về quận Hà Đông, anh Hùng đã đi qua năm cây xăng nhưng vẫn không mua được hàng.

Không chỉ Hà Nội mà ở một số địa phương khác, người dân cũng phản ánh không mua được xăng dầu. Sở Công Thương TP.HCM vừa công bố báo cáo cho hay trong những ngày qua vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp có cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã đăng ký mua hàng nhưng đơn vị cung cấp chưa kịp cung cấp hoặc cung cấp hạn chế. Đáng lo ngại, tính đến 17 giờ ngày 1-11, trên địa bàn TP.HCM đã có 111/550 cửa hàng thiếu mặt hàng xăng.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bộ Công Thương cho biết bộ đã cố gắng hết sức để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu. Tuy nhiên, các khó khăn về tín dụng, tỉ giá, chi phí… chưa thể giải quyết ngay.

Để ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa yêu cầu các công ty như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn… khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại. Bộ trưởng Diên cũng đề nghị hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Nóng ruột đợi Bộ Tài chính điều chỉnh chi phí

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đứt gãy, khan hiếm nguồn cung xăng dầu ở một số khu vực là do chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế chưa được kịp thời cập nhật, phản ánh đầy đủ trong công thức tính giá. Cho nên các công ty nhập khẩu hay kinh doanh xăng dầu càng bán càng lỗ.

Kiến nghị đã rất nhiều nhưng không thấy sửa

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để báo cáo về chi phí xăng dầu. Theo Petrolimex, chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở hiện nay đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân đã được kiểm toán 184-598 đồng/lít, tương ứng khoảng 13%-39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu và 33 đồng/lít, tương ứng 6% đối với giá bán buôn mặt hàng dầu mazut. Cùng với đó, nhiều khoản chi phí khác cũng tăng cao bất thường so với định mức hiện hành của Nhà nước áp dụng tính toán trong giá cơ sở.

Từ thực tế trên, Petrolimex đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh và phản ánh kịp thời tại chu kỳ điều hành giá gần nhất (ngày 1-11). Không riêng Petrolimex mà hàng loạt công ty xăng dầu cũng kiến nghị tương tự. Thế nhưng rất tiếc tại kỳ điều hành mới nhất (ngày 1-11), các khoản chi phí này vẫn chưa được điều chỉnh.

Dù chi phí này đã được cập nhật hai lần từ đầu năm đến nay nhưng do thị trường biến động không ngừng nên vẫn chưa đủ, chưa phù hợp với thực tế. Phần điều chỉnh chi phí này do Bộ Tài chính đảm nhiệm.

Ngày 3-11, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay để tháo gỡ khó khăn cho các công ty xăng dầu, bộ đang tiếp tục cập nhật để tính chi phí tính giá cơ sở xăng dầu. Bộ cũng đã có công văn gửi Bộ Công Thương yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin để kịp thời điều chỉnh các chi phí xăng dầu. Thế nhưng đến nay bộ mới nhận được văn bản kiến nghị của bảy công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu và vẫn chưa nhận được văn bản nêu ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này.

Đại diện Bộ Công Thương thì cho biết trong ngày 3-11, bộ có công văn gửi cho Bộ Tài chính cung cấp thêm các thông tin, số liệu cụ thể, đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí xăng dầu. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính có cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các công ty xăng dầu.

Đã đến lúc quản lýxăng dầu bằng cơ chế thị trường

Bên hành lang Quốc hội chiều 2-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đánh giá lại, trên cơ sở đó tính phương án theo hướng thống nhất, quy về một đầu mối, hướng là giao cho Bộ Công Thương.

Bình luận về việc này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng đề xuất đưa xăng dầu về một đầu mối quản lý là hợp lý. Chỉ một mặt hàng mà liên bộ Tài chính - Công Thương cùng quản lý thì khó tránh khỏi phức tạp về mặt thủ tục hành chính, mất thêm thời gian trao đổi và thống nhất.

Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng điều cần quan tâm hiện nay không chỉ là xăng dầu sẽ được bộ, ngành nào quản lý. Bởi nếu định hướng chung về quản lý mặt hàng này không thay đổi theo cơ chế thị trường thì bộ, ngành nào quản lý cũng không tác động nhiều đến giá cả và nguồn cung.

Phân tích sâu hơn, ông Bảo nhấn mạnh việc trục trặc về nguồn cung và biến động về giá cả xăng dầu trong thời gian qua không xuất phát từ nguyên nhân mặt hàng này do nhiều đầu mối quản lý. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bởi xung đột Nga - Ukraine là tình huống dị biệt, khó lường, không chính sách nào bao phủ hết được. Nhà kinh doanh đối mặt với rủi ro, vừa nhập hàng hôm trước, hôm sau đã lỗ. Không phải họ găm hàng như dư luận phản ánh mà yếu tố tâm lý khiến họ chỉ nhập hàng vừa đủ, dẫn đến có những thời điểm thị trường khan hiếm.

Tuy vậy, nếu cơ quan quản lý nhà nước điều hành theo cơ chế thị trường, tôn trọng quy luật thị trường, khuyến khích các công ty, tổ chức kinh doanh thì những vấn đề trên sẽ bớt trầm trọng phần nào.

“Tôi cho rằng thời điểm hiện tại đã hội tụ tương đối đầy đủ yếu tố để đưa quản lý xăng dầu về cơ chế thị trường, theo quy luật thị trường. Việc sửa đổi Nghị định 95/2021 nên được thực hiện theo hướng thay đổi toàn diện theo hướng trên, không chỉ dừng ở việc đưa mặt hàng này về một đầu mối quản lý” - ông Bảo nhấn mạnh.

Đề xuất thành lập tổ công tác điều hành xăng dầu TP.HCM

Trong báo cáo mới nhất, Sở Công Thương TP.HCM nhận định việc cung ứng xăng dầu tiếp tục còn nhiều khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng và gián đoạn cục bộ chuỗi cung ứng xăng dầu.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hiện mỗi ngày TP tiêu thụ khoảng 6.880 m3 xăng dầu nhưng nguồn cung đang bị thiếu hụt. Trong đó, nguyên nhân khách quan là Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị tước giấy phép kinh doanh. Đây là công ty đầu mối lớn với mức dự trữ bình quân 100.000 m3/tháng.

Ngoài ra, cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay vẫn chưa hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi cung ứng; doanh nghiệp bán lẻ hoạt động rất khó khăn, có đơn vị thua lỗ vì chiết khấu thấp nên tạm đóng cửa. Hiện số lượng cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động vì không có hàng dao động quanh mức 20% trong tổng số 550 cửa hàng trên toàn TP.

Nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu cho thị trường được ổn định và bền vững, Sở Công Thương TP.HCM đã gửi công văn đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận thành lập tổ công tác điều hành hoạt động xăng dầu trên địa bàn.

Một cây xăng tại TP.HCM treo bảng hết xăng, chờ nhập hàng. (Ảnh chụp ngày 3-11) Ảnh: TÚ UYÊN
Một cây xăng tại TP.HCM treo bảng hết xăng, chờ nhập hàng. (Ảnh chụp ngày 3-11) Ảnh: TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm