Báo cáo kinh tế thường niên chỉ ra điểm nghẽn thể chế, quản trị và liên kết vùng ĐBSCL

(PLO)- Kết quả nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 đã khẳng định thông điệp quan trọng, đó là thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với ĐBSCL.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-12, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023.

vcci-cong-bo-bao-cao-kinh-te-thuong-nien-dbscl-1.jpg
VCCI tổ chức lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023. Ảnh: NHẪN NAM

Báo cáo do VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fullbright thực hiện. Trưởng nhóm nghiên cứu là TS Vũ Thành Tự Anh và 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia thực hiện. Các dữ liệu kinh tế được thu thập tổng hợp bởi VCCI chi nhánh Cần Thơ từ nhiều nguồn khác nhau.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang được quan tâm đầu tư lớn về hạ tầng để tạo tiền đề cho phát triển dài hạn.

Đây là vùng đầu tiên cả nước được Chính phủ xây dựng quy hoạch tích hợp chung, cũng là vùng kinh tế đầu tiên được Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng để triển khai các chương trình phát triển theo các nghị quyết của Trung ương.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023. Ảnh: NHẪN NAM

Tuy nhiên, ở góc độ quản trị nhà nước, ông cho rằng chưa thấy sự kết nối của quy hoạch từng địa phương với tổng thể vùng, cơ chế quản trị tài nguyên phân mảnh, cơ chế điều phối vùng và giữa các tỉnh thành còn rời rạc, chưa tạo kết quả mong đợi…

Ở góc độ điều hành thị trường, chuỗi giá trị còn bị chia cắt, các cụm ngành sản xuất lớn chưa hoàn chỉnh, thị trường tài chính tín dụng chưa thực sự phát huy để thúc đẩy, hỗ trợ cho các ngành chủ lực phát triển…

Quá trình nghiên cứu cho thấy có những điểm nghẽn về thể chế, quản trị và liên kết vùng, nếu không có giải pháp kịp thời thì nó không chỉ làm tiêu hao nguồn lực mà có thể còn làm giảm động lực của bộ máy, không khai thác được lợi thế giữa các địa phương, không nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế vùng ĐBSCL nói riêng cũng như cho quốc gia nói chung.

Theo Chủ tịch VCCI, kết quả nghiên cứu Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm nay đã khẳng định một thông điệp quan trọng, đó là thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với ĐBSCL.

Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất.

Lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL
Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã tham dự lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL. Ảnh: NHẪN NAM

Theo Báo cáo, kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023.

ĐBSCL dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình ĐBSCL đã thấp hơn so với cả nước.

Tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước. Nông nghiệp tuy giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của vùng nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế vùng…

Từ những nghiên cứu trước, Báo cáo năm 2023 xác định thể chế, quản trị, và liên kết vùng là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn.

Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP.HCM mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả, sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm