Theo hãng tin Sputnik (Nga) ngày 28-8, Bộ tài liệu DC Leaks bị rò rỉ gần đây chứa đựng hơn 2.500 tài liệu của Quỹ xã hội mở (OSF) của tỉ phú George Soros. Tài liệu mô tả xu hướng dùng tiền và ảnh hưởng của tỉ phú này để gieo rắc mầm mống hỗn loạn trên khắp thế giới để kiếm lợi và áp đặt các ý tưởng đề cao tự do cạnh tranh trên thị trường và yêu cầu nhà nước hạn chế can thiệp vào kinh tế ở quy mô quốc tế.
Một tỉ phú nổi tiếng của Mỹ bị nghi âm mưu lật đổ Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Sputnik
Những tài liệu rò rỉ từ DC Leaks cũng phơi bày kế hoạch gây bất ổn Liên minh châu Âu (EU) của tỉ phú George Soros. Theo đó, ông Soros sẽ gây hỗn loạn bằng cách thúc đẩy chính sách mở cửa biên giới và nhập cư tràn lan, phá hoại chính phủ Ukraine thông qua kích động đảo chính bất hợp pháp.
Ngoài ra, tỉ phú Soros còn muốn chia rẽ nước Mỹ bằng cách tích cực tài trợ cho phong trào Black Lives Matters (vấn đề cuộc sống người da đen) hay còn được hiểu là “Người da màu đáng được sống”.
Tuy nhiên, theo Sputnik, Nga luôn là nước mà tỉ phú Soros muốn chia rẽ nhiều nhất và lần nào cũng “sôi hỏng bỏng không”.
Trong một tài liệu đề tháng 11-2012 với nhan đề “Bản ghi nhớ kế hoạch chiến lược Nga” của Quỹ xã hội mở (OSF), một nhóm chuyên gia quốc tế chống Nga đã ngồi vào bàn thảo luận tìm cách “nhận diện những ưu tiên chung trong hoạt động của OSF những năm sắp tới”.
Những người dự họp hy vọng, những năm tháng ông Medvedev làm tổng thống Nga sẽ tạo ra một cánh cửa mở cho OSF để tác động và gây rối chính phủ Nga. Tuy nhiên, hi vọng này “tan theo mây khói” khi ông Putin nắm quyền trở lại.
Tỉ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros. Ảnh: earstohear
Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Nga đã bị đặt trong vòng nghi vấn sau các vụ biểu tình “kiểu Maidan” và các tổ chức này đã bị giải thể ngay lập tức, trước khi nó kịp đe dọa chính phủ Nga.
“Các cuộc biểu tình đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của các tổ chức phi chính phủ” - biên bản ghi nhớ viết.
Tài liệu rò rỉ cũng hé lộ một danh sách “những việc phải làm” để gây náo loạn nước Nga. Trong đó, kế hoạch biến nước Nga chìm ngập trong làn sóng di cư và gây ảnh hưởng tới các hoạt động truyền thông của nước này cũng được liệt vào “những việc phải làm”.
Tiếp sau “Bản ghi nhớ kế hoạch chiến lược Nga” là một kế hoạch mang tên “Dự án Nga” kêu gọi nhận diện và tập hợp những người chống Tổng thống Putin. Bên cạnh đó, “Dự án Nga” còn nêu rõ cần đẩy mạnh các nguyên tắc toàn cầu hóa, phá hoại hình ảnh của Nga trước thềm Olympic mùa đông ở Sochi.