Đáng chú ý, Triều Tiên thử động cơ tên lửa chỉ một ngày sau khi đại sứ nước này tại Ấn Độ Kye Chun-jong tuyên bố Triều Tiên chỉ cân nhắc tạm ngưng phát triển vũ khí hạt nhân nếu Mỹ-Hàn ngưng tập trận chung. Vài ngày trước nữa, vệ tinh tình báo Mỹ phát hiện tại điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân nữa.
Các diễn biến này, đặc biệt là động thái thử động cơ tên lửa ICBM, chính là những thông điệp thách thức gửi đến Mỹ và Trung Quốc (TQ) sau sự kiện Đối thoại ngoại giao và an ninh cấp cao. Triều Tiên dường như hiểu rõ Mỹ đang lúng túng và không có nhiều lựa chọn trong kiềm chế Bình Nhưỡng. Mỹ chỉ biết tiếp tục đặt cược hy vọng vào TQ, thúc giục nước này tăng áp lực kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên nhưng vẫn chưa thuyết phục được TQ đồng tâm hiệp lực cứng rắn với Triều Tiên. Kiềm chế Triều Tiên là ưu tiên an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump từng đe dọa có khả năng xảy ra “xung đột lớn” với Triều Tiên, mọi khả năng đều được cân nhắc, kể cả đánh phủ đầu. Tuy nhiên, tới thời điểm này, phương án sử dụng sức mạnh quân sự vẫn không được ủng hộ vì các hệ quả khôn lường. Chính quyền Bình Nhưỡng cũng hiểu rõ điều này.
Có thể thấy Triều Tiên không ngại cả Mỹ lẫn TQ. Không ít chuyên gia nhận định sẽ không có chuyện Bắc Kinh hết mình kiềm chế Triều Tiên như mong muốn của Mỹ. Vì dù không ủng hộ Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân nhưng Bắc Kinh cũng không thể hy sinh các quyền lợi an ninh gắn liền với Triều Tiên.
Các động thái liên tiếp của Triều Tiên vừa là một sự thách thức, vừa là một cách tăng áp lực lên Mỹ. Theo nhiều chuyên gia thì Mỹ chỉ còn vài năm nữa để ngăn chặn Triều Tiên sở hữu tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới nước Mỹ.