Công an huyện Hóc Môn đang tạm giữ hình sự Đặng Thanh Thiện (sinh năm 1986, ngụ xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Yêu cầu 50 triệu đồng “chi phí”
Theo cơ quan điều tra, chiều tối 20-3, Công an thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn) tiếp nhận tin báo của chị Trần Mai Th. (ngụ thị trấn Hóc Môn) về việc có một người tên Đặng Cao Thanh giả danh PV báo Pháp Luật TP.HCM để lừa đảo chị lấy tiền. Chị cho biết người này sẽ đến nhà tiếp tục nhận 30 triệu đồng.
Đúng hẹn, người này xuất hiện. Khi nghi can đang nhận 30 triệu đồng thì bị Công an thị trấn Hóc Môn ập đến bắt quả tang. Tại cơ quan điều tra, người này khai tên thật là Đặng Thanh Thiện.
Theo điều tra ban đầu, chiều 17-3, Thiện cầm bản phôtô quyết định của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hóc Môn (nội dung về việc cưỡng chế nhà đất mẹ ruột của chị Th. với người thân) đến nhà. Tại đây, Thiện xưng là Đặng Cao Thanh, PV báo Pháp Luật TP.HCM và đặt vấn đề giúp đỡ gia đình tác động có lợi cho vụ tranh chấp đất đai của gia đình, yêu cầu lo chi phí là 50 triệu đồng.
Nghi can Thiện đang đếm 30 triệu đồng tại nhà chị Th. thì bị công an bắt giữ. (Ảnh do công an cung cấp)
Chiêu của kẻ lừa
Theo chị Th., trong hai ngày 18 và 19-3, chị đã hai lần đưa tiền cho kẻ lừa tại quán cà phê ở Hóc Môn, tổng cộng 12 triệu đồng.
Chị cho hay: Chiều 17-3, Thiện đến nhà nói ngày 24-3 cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế nhà đất của gia đình theo bản án. “Thiện thông tin là phía nguyên đơn có gửi đơn đến báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh vụ việc và báo đã cử Thiện xuống xác minh” - chị kể.
Chị nghi ngờ, yêu cầu Thiện cho xem thẻ nhà báo thì người này nói là đi vội, quên mang theo. “Tôi trình bày với Thiện mảnh đất tranh chấp là đất hương hỏa, không thể chia hay bán… Khi nghe gia đình phản ánh, Thiện nói: “Vậy là nguyên đơn nói sai sự thật. Chị có cần em viết bài đăng báo nói đúng sự thật giúp không?”” - chị kể.
Sau đó Thiện ra giá 50 triệu đồng để chi phí đi lại, bút mực và cho biết sẽ sớm đăng thông tin lên báo. Ngày hôm sau chị Th. gọi điện thoại đặt vấn đề nhờ giúp đỡ thì Thiện yêu cầu đưa trước 25 triệu đồng, phần còn lại sẽ “chồng” tại trụ sở báo sau khi báo đăng bài (?).
Theo chị Th., trong ngày Chủ nhật (19-3) chị đưa hai lần tiền cho Thiện, tổng cộng 12 triệu đồng.
“Ngày 20-3, tôi lên trụ sở báo thì tiếp tân, bảo vệ ở đây khẳng định không có PV nào tên Đặng Cao Thanh sử dụng số điện thoại như tôi nói” - chị cho hay.
“Tuy nhiên, khi tôi gọi điện thoại thì Thiện từ trong tòa nhà bước ra, dẫn lên phòng bạn đọc của báo rồi bỏ đi. Tôi điện hỏi thì anh ta nói bận việc, báo là đã lo lót, chi phí sắp xếp cho tôi đến báo gặp luật sư” - chị kể.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã rà soát, được biết sáng 20-3, Thiện đã đến trụ sở báo đề nghị được phòng Công tác bạn đọc tư vấn. Khoảng 15 phút sau thì chị Th. đến, Thiện vờ ra về rồi xuống gặp chị Th. như đã kể trên.
Nhân viên phòng Công tác bạn đọc khi biết sự việc đã hướng dẫn chị Th. trình báo công an. Và khi Thiện đến nhà nhận thêm 30 triệu đồng, công an bắt giữ.
PV báo Pháp Luật TP.HCM đi làm việc luôn có giấy giới thiệu Báo Pháp Luật TP.HCM khẳng định PV của báo được phân công đến làm việc với người dân, cơ quan chức năng luôn xuất trình giấy giới thiệu hoặc thẻ nhà báo, ghi rõ nội dung làm việc. PV đi công tác sẽ được báo thanh toán công tác phí theo quy định của cơ quan. Mọi hình thức đặt vấn đề chi phí cho việc đi lại, hứa đăng thông tin đều là bịa đặt, lừa đảo vì việc đăng tải thông tin lên báo không thuộc thẩm quyền của PV mà do tòa soạn, Ban Biên tập quyết định. Cạnh đó, luật sư tư vấn tại phòng Công tác bạn đọc của báo là tư vấn miễn phí. Bất kỳ bạn đọc nào có khúc mắc về pháp luật sẽ được các luật sư tận tình lý giải (lịch tư vấn của luật sư đăng vào sáng thứ Bảy hằng tuần) mà không phải trả phí. Phòng Công tác bạn đọc còn trực tiếp tiếp nhận hoặc qua đường dây nóng mọi phản ánh của bạn đọc trong cả nước theo số điện thoại: 08. 39919613. Khi nghi ngờ có người giả danh PV báo Pháp Luật TP.HCM, đề nghị người dân, cơ quan phản ánh theo số điện thoại nêu trên để được hỗ trợ. Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM |