Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh “Bị xua đuổi, "cát tặc" ném đá dọa chém dân".
UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và UBND huyện Chợ Lách tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép như báo đã nêu. Trường hợp phát hiện, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
'"Cát tặc" trộm cát trên sông Cổ Chiên giữa ban ngày, thách thức dư luận.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; nắm bắt thông tin, hỗ trợ địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.
Cùng với đó, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cũng chỉ đạo giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre đôn đốc các huyện, TP Bến Tre phối hợp với công an tỉnh, Ban chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác khoáng sản các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại từng địa phương.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, tại khu vực tuyến sông Cổ Chiên, đoạn thuộc hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận, diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép cả ngày lẫn đêm, gây sạt lở đê bao nghiêm trọng.
Theo đó, ban ngày trung bình có khoảng 5-7 chiếc tàu sắt, tàu gỗ lớn nhỏ ngang nhiên hút trộm cát trên khúc sông này. Ban đêm chúng hoạt động rầm rộ hơn, cao điểm có 12-15 chiếc, có cả sà lan tải trọng hàng trăm khối.
Sạt lở nghiêm trọng tại đê bao sông Cổ Chiên ở xã Vĩnh Bình.
Cứ liên tục chiếc này hút đầy, di chuyển đi thì chiếc khác lại vào hoạt động, huyên náo, công khai. Ban đêm “cát tặc” còn tiến vào sát chân bung vòi rồng xuống sông hút trộm cát.
Được biết tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn không có sự can thiệp của chính quyền địa phương dù đã rất nhiều lần người dân trình báo vụ việc.
Cũng vì quá bức xúc “cát tặc” lộng hành, người dân buộc phải ra sông xua đuổi nhưng lại bị nhóm người trên tàu cát dùng ná thun bắn đá vào khiến hai người bị thương. Sau lần đó, người dân không dám liều ra sông chống “cát tặc” mà báo với chính quyền xã giải quyết nhưng không ai tới. Người dân nhiều lần tập trung ra mé sông xua đuổi nhưng bị "cát tặc" ném đá và giơ mã tấu lên dọa chém.
Do khai thác cát trái phép ồ ạt diễn ra ngày đêm, tại khúc sông này đã bị sạt lở nghiêm trọng đê bao. Năm 2015 địa phương đã đầu tư hàng tỉ đồng để xây đê bao có chiều dài trên 3 km dọc sông Cổ Chiên, đoạn thuộc hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận. Tuy nhiên, đê bao tiền tỉ vừa đắp chưa đầy một năm đã bị sạt lở \ trôi xuống sông.
Để giữ đất, giữ vườn cây ăn trái của người dân, năm 2016 địa phương tiếp tục đầu tư trên 8 tỉ đồng để làm mới con đê trên và có kè rọ đá (1,2 km), đồng thời đóng hàng cừ gỗ dọc theo con đê để chống sạt lở.
Người dân thẩn thờ lo sợ mất đất vì "cát tặc" lộng hành.
Tuy nhiên, tình hình khai thác cát trái phép rầm rộ trên khúc sông này nhiều năm nay khiến hàng cừ gỗ hiện nay cũng bị sạt ra mé sông, chân đê cũng bị bào lở, xoáy sâu hàm ếch. Nhiều người dân lo lắng nếu tình trạng khai thác cát này còn kéo dài không bao lâu nữa con đê sẽ bị sụp trôi xuống sông Cổ Chiên hoàn toàn.
Trước đó , trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, xác nhận khu vực khúc sông Cổ Chiên thuộc hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận có xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép như người dân phản ánh, tuy nhiên "cát tặc" chủ yếu hoạt động lén lút nên khó phát hiện.
Còn theo ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng TN&MT huyện, tại khúc sông Cổ Chiên đoạn qua hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận không có mỏ cát nào được cấp phép.