Chiều 24-3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM đã họp trực tuyến nghe báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng nếu lỡ thời cơ “15 ngày vàng” để chống dịch thì không làm lại được nữa. Trong hai tuần tới, ông Nhân đề nghị các cơ quan liên quan phải làm quyết liệt để kiềm chế dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC
Ông Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn chứng số liệu từ các vùng dịch trên thế giới để chứng minh nếu không có những giải pháp quyết liệt ngay từ đầu thì sẽ rất khó để chống dịch.
Theo ông, 100 ca nhiễm đầu tiên, người Mỹ cơ bản không đeo khẩu trang và đi học bình thường. Nhưng từ khi có 2.000 lên 20.000 người nhiễm, tốc độ chỉ có bảy ngày và chỉ ba ngày sau đã lên đến 44.000 người nhiễm. Dự báo đến cuối tháng 3, số người nhiễm ở Mỹ không dưới 90.000 người, vượt cả Trung Quốc.
Còn ở Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải làm quyết liệt không để vượt quá 500 người nhiễm (TP.HCM không để quá 150 người), còn nếu để tới mốc 1.000 người nhiễm là nguy cơ lây nhiễm tăng rất cao, không tăng theo tuyến tính bình thường mà tăng vọt theo mốc.
“Khi ca nhiễm lớn lên có xây bệnh viện mới cả nghìn chỗ cũng không giải quyết nổi” - ông Nhân nói và tính toán khi cả nước có 1.000 ca nhiễm thì TP.HCM có khoảng 300 người nhiễm và phải cách ly 84.000 người (một người nhiễm là phải cách ly 280 người), như thế khó có đủ chỗ cách ly.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng dẫn chứng kinh nghiệm của hai nước làm tốt công tác chống dịch là Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo ông, họ thành công vì đã chặn dứt khoát những người về từ các vùng dịch đến nước họ, cắt nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất quyết liệt.
“Chúng ta đã và đang làm giải pháp này, chỉ còn những người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương. Đó là vấn đề khác với hai nước đó. Con em mình về là đúng nhưng phải xử lý được nguy cơ này” - ông Nhân nói.
Một giải pháp khác mà họ quyết liệt là họ đóng cửa các trường học, đình chỉ các hoạt động đông người.
“Đóng cửa trường học thì chúng ta đã làm nhưng đình chỉ các hoạt động đông người chúng ta làm chưa rõ” - ông Nhân nói và cho rằng không nên đóng tất cả các dịch vụ nhưng cái nào có nguy cơ là phải điều tiết.
Ông Nhân nói: “Tinh thần là chúng ta còn hai tuần nữa, ráng chịu cực hơn để sau sướng hơn. Nếu hai tuần tới mà vẫn sống như bình thường thì sau đó đất nước này sẽ khó khăn vô vàn”.
Ông Nhân đề nghị thực hiện tốt các giải pháp như: ngăn chặn người nước ngoài mang dịch vào; người dân xét nghiệm nếu có nhu cầu; đeo khẩu trang thường xuyên; đình chỉ hoạt động đông người; người dân có tiếp xúc với người bệnh phải tự giác cách ly 14 ngày.
“Ở Hàn Quốc cách ly mà ra khỏi nhà bị phạt tù một năm hoặc phạt 8.200 USD. Còn chúng ta lén trốn ra khỏi nhà đã bị phạt chưa? Chưa nhiều, nhưng phải ý thức. Phải giám sát đừng để họ ra ngoài” - ông Nhân đề nghị.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hai tuần này phải giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ông đề nghị lấy kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản về hạn chế đi lại phải làm quyết liệt như mua sắm qua mạng. Hay chúng ta vận động người dân ủng hộ không đi chợ mỗi ngày được không, 2-3 ngày đi chợ một lần.
Ông Nhân nói: “Trong hai tuần tới, tóc chưa dài lắm khỏi đi cắt. Đừng mua giày, quần áo mà ở nhà giữ cho mình an toàn” và cho rằng cần phải bàn kỹ để làm sao giảm người dân ra khỏi nhà một cách tự giác.
(PLO)- Trước cuộc chiến với đại dịch COVID-19, mỗi người dân sẽ trách nhiệm hơn, nỗ lực, đoàn kết hơn vì cộng đồng, vì đất nước, trong đó có quyền lợi bản thân mình.