Tờ South China Morning Post ngày 28-6 dẫn một nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Biển Đông (Trung Quốc) cho biết các hoạt động bồi đắp trái phép của Bắc Kinh ở khu vực Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã đẩy nhanh quá trình hình thành mạch nước ngọt ở đây.
Nhóm nghiên cứu khẳng định mực nước ngầm bên dưới Đá Chữ Thập đang tăng lên với tốc độ khoảng 1 m một năm, nhanh gấp hai lần so với mạch nước ở các đảo tự nhiên. Mực nước hiện tại vào khoảng 7 m và có thể tăng lên 15 m vào năm 2035.
Hiện trạng quá trình bồi đắp trái phép của Trung Quốc ở khu vực Đá Chữ Thập (Ảnh chụp vào tháng 2). Ảnh: PLANET LABS
Ngoài ra, việc lượng mưa trung bình hàng năm ở Đá Chữ Thập nhiều gấp năm lần ở Trung Quốc đại lục cũng góp phần làm tăng nhanh mực nước ngầm bên dưới.
"Mạch nước ngầm này sẽ đóng vai trò quan trọng cho dân cư sinh sống cũng như hệ sinh thái ở đây do nhiều động vật và thực vật cần nước ngọt để phát triển" - chuyên gia Địa chất hải dương Xu Hehua, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định.
Viện Hải dương học Biển Đông dự đoán nhiều khả năng nếu mạch nước ngọt có thể hình thành bên dưới Đá Chữ Thập thì nhiều khả năng cũng sẽ hình thành được ở các khu vực khác mà Trung Quốc cũng đang tiến hành bồi đắp, cải tạo trái phép.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng khó khăn lớn nhất hiện tại làm thế nào có thể khai thác nguồn nước nói trên mà không làm ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Ngoài ra, vẫn tiềm ẩn lo ngại Bắc Kinh có thể lợi dụng những nghiên cứu tương tự của Viện Hải dương học Biển Đông để hợp thức hoá các thực thể mà nước này đang chiếm giữ có khả năng duy trì sự sống cho người cư ngụ.
Cụ thể, khoản 3 của Điều 121 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nêu rõ những đảo đá nào không thích hợp cho việc cư trú của con người hoặc một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Do đó, Bắc Kinh sẽ muốn tuyên bố việc phát hiện ra mạch nước ngọt là bằng chứng cho thấy Đá Chữ Thập có khả năng duy trì sự sống và có thể đưa người ra cư trú lâu dài để đòi công nhận bãi đá này có vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và thềm lục địa bao xung quanh. Sau Đá Chữ Thập dần dần là những thực thể khác mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.